1. Khí dung salbutamol khi nào?
Salbutamol là một loại thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn phế quản, mở rộng đường kính phế quản, giúp không khí ra vào dễ dàng hơn, từ đó giúp trẻ đỡ khó thở. Thuốc được chỉ định chính cho bệnh hen phế quản (suyễn) khi vào cơn.
Tuy nhiên ở trẻ em, có nhiều dạng rối loạn phức tạp đều gây ra biểu hiện khò khè, rất khó phân biệt, phổ biến là suyễn, viêm tiểu phế quản, khò khè do virus, viêm phổi…
Do vậy salbutamol thường được bác sĩ chỉ định cho trẻ khí dung khi nghe thấy tiếng khò khè trong ngực trẻ ở những cơn hen suyễn hoặc những cơn khò khè nghi ngờ suyễn. Lý tưởng nhất là bác sĩ cho bé khí dung tại phòng khám hoặc bệnh viện vài lần để đánh giá đáp ứng của bé với salbutamol.
Nếu trẻ đáp ứng thuốc (tức là đỡ khò khè sau khí dung) bác sĩ mới kê thuốc và hướng dẫn phụ huynh về nhà khí dung tiếp cho trẻ. Tuy nhiên trong nhiều điều kiện, sự lý tưởng này khó thực hiện được. Do vậy, thông thường bác sĩ sẽ vẫn kê đơn cho trẻ khí dung thuốc và hướng dẫn phụ huynh theo dõi tình trạng của trẻ để thông báo cho bác sĩ.
Salbutamol dạng xông có 2 loại: Ống 2,5mg và 5mg. Tùy theo độ tuổi và cân nặng của trẻ mà bác sĩ kê loại phù hợp.
2. Cần khí dung trong bao lâu?
Khác với người lớn, khò khè ở trẻ em có thể là suyễn hay nghi suyễn. Tác nhân kích thích khiến trẻ lên cơn khò khè đại đa số là do virus hô hấp. Đó là lý do trẻ hầu như luôn có biểu hiện của bệnh cảm (ho, sổ mũi nghẹt mũi, có thể kèm theo sốt) trước đó 1-2 ngày rồi mới lên cơn khò khè.
Khi virus đã đi vào đường thở của trẻ, nó sẽ bám dính ở đó ít nhất 1 tuần và sẵn sàng kích thích trẻ lên cơn khò khè khó thở bất cứ thời điểm nào cho đến khi được đào thải ra ngoài gần hết bằng động tác ho. Do vậy trong tuần lễ đầu tiên, khí dung nên đủ 5-7 ngày, kể cả khi thấy triệu chứng của bệnh đã giảm hoàn toàn.
Một số trẻ bị suyễn dị ứng (với tác nhân bụi chẳng hạn), khi đột ngột gặp tác nhân và lên cơn khò khè thì chỉ cần xịt vài nhát salbutamol, ra khỏi nơi có bụi (tác nhân gây ra cơn dị ứng) thì cơn khò khè có thể qua ngay.
Tuy nhiên, khi trẻ đã lên cơn khò khè khởi phát bởi virus thì không như vậy, cần khí dung thuốc tối thiểu 5 ngày. Sau đó tái khám và có chỉ định tiếp theo của bác sĩ là cần được khí dung tiếp hay ngừng. Việc ngưng khí dung thuốc sớm quá khiến trẻ có nguy cơ phát lại trong đợt bệnh.
3. Khí dung salbutamol nhiều có gây hại cho trẻ?
Bên cạnh tác dụng làm giãn phế quản, khí ra vào phổi dễ dàng, bé không bị khó thở (tác dụng này thậm chí còn là tác dụng cứu mạng trẻ khi lên cơn suyễn), thì thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn.
Một số bất lợi của thuốc là:
- Tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, run tay, má đỏ, người nóng lên… Đây chỉ là tác dụng phụ tạm thời, sau khí dung một lúc sẽ hết. Trẻ càng lớn thì càng dễ bị tác dụng phụ này.
- Một số trẻ bị kích ứng vùng miệng họng, có thể ho nhiều hơn sau khí dung, giảm chỉ số SPO2.
- Hạ kali máu...
Tác dụng phụ lâu dài chưa được ghi nhận.
Tuy nhiên, do tác dụng chính của thuốc rất tích cực, có thể giúp trẻ dễ thở ngay sau khi khí dung, nên phụ huynh đã lạm dụng. Thậm chí hễ trẻ ho, khụt khịt mũi mà không liên quan gì đến khò khè, co thắt phế quản cũng khí dung thuốc cho bé.
Điều này sẽ gây ra tác hại rất lớn vì ngoài làm gia tăng trẻ phải gặp các tác dụng phụ thì tác dụng chính cũng sẽ dần mất đi do tình trạng "nhờn thuốc". Khi trẻ thực sự bị khò khè khó thở, co thắt phế quản thật thì khí dung thuốc sẽ bị giảm tác dụng, bệnh trở nặng, phải dùng thuốc mạnh hơn.
Do đó, phụ huynh cần lưu ý:
-Salbutamol là thuốc kê toa, cần được bác sĩ chỉ định mới được khí dung cho trẻ. Chỉ những phụ huynh có con bị suyễn, đã được bác sĩ huấn luyện cách nhận ra cơn suyễn, có nhiều kinh nghiệm và cách xử lý thì mới được tự ý xử lý tại nhà để cứu trẻ thoát cơn nguy hiểm.
-Với trẻ phải dùng quá nhiều lần khí dung salbutamol, có nghĩa là trẻ bị tái phát khò khè quá thường xuyên... bác sĩ cần phải chẩn đoán xem bé có bị hen không và lên chiến lược dùng thuốc dự phòng, giúp giãn cơn, thưa cơn, nhẹ cơn, giảm thiểu phải sử dụng salbutamol để cải thiện chức năng phổi và độ nhạy cảm của phế quản với salbutamol.
Mời độc giả xem thêm video:
Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12 | SKĐS