Đâu là nguồn năng lượng có đủ khả năng thay thế dầu mỏ đang cạn kiệt và nhất là năng lượng hạt nhân đang gây nhiều lo ngại? Theo một bản báo cáo mới nhất của IEA (cơ quan Năng lượng Quốc tế), với nguồn trữ lượng dồi dào và không gây ô nhiễm, khí đốt sẽ lên ngôi.
Các chuyên gia tính toán rằng, trong khoảng từ năm 2010 - 2035, nhu cầu về khí đốt của riêng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OCDE) sẽ tăng 80%. Các nước mới trỗi dậy dự báo sẽ là những nước tiêu thụ nhiều nhất nguồn năng lượng rẻ tiền này.
Khí đốt sẽ thay thế năng lượng hạt nhân trong tương lai. |
Năm 2035, nhu cầu về khí đốt của riêng Trung Quốc thôi cũng có thể tương đương với của cả EU. Hiện tại thì nhu cầu này mới chỉ ngang với nước Đức mà thôi. Còn nhu cầu của các nước Trung Đông cũng tăng gấp đôi và Ấn Độ thì tăng gấp bốn lần. Để có thể đáp ứng được nhu cầu khí đốt ngày càng lớn như vậy thì chỉ có cách là tăng sản lượng khí đốt hàng năm lên 1.800 tỷ mét khối, tức là lớn gấp ba lần so với lượng khí đốt của Nga khai thác hiện nay. Đến năm 2035, con số này sẽ phải là 5.100 tỷ mét khối. IEA cũng dự báo, Trung Quốc sẽ là một trong những nước sản xuất khí đốt lớn hàng đầu thế giới.
Tuy nhu cầu về khí đốt sẽ tăng vọt trong những năm tới nhưng thế giới cũng có thể yên tâm. Theo các chuyên gia về năng lượng của OCDE thì nguồn khí đốt trên trái đất vẫn còn rất lớn và phân bố các mỏ khí cũng tương đối đồng đều về mặt địa lý. Cơ quan này cũng cho biết thêm, để thúc đẩy khai thác khí đốt thì cần phải đầu tư khoảng 8.000 tỷ USD, chủ yếu trong việc sản xuất khí hóa lỏng, thuận tiện cho việc chuyên chở.
Với nguồn trữ lượng lớn, khí đốt giờ đây đang được xếp trong danh sách thay thế cho năng lượng hạt nhân trong khi nhiều nước đang phải xem xét lại chính sách hạt nhân của mình, kể từ sau tai họa xảy ra với Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định, năng lượng hạt nhân rồi đây sẽ phải thu hẹp vai trò của mình. Một bằng chứng là mới đây thôi, nước Đức là cường quốc công nghiệp hàng đầu đã quyết định từ nay đến năm 2022 đóng cửa 17 lò phản ứng hạt nhân của mình.
Dù được coi là sạch hơn so với các loại nhiên liệu hóa thạch khác, khí đốt vẫn không làm giảm bớt là bao lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đang làm trái đất ấm dần lên. Lượng phát thải khí CO2 đã đạt mức kỷ lục trong năm 2010. Ngoài ra, việc khai thác các loại khí đốt khác đang nảy sinh ra nhiều vấn đề mới cho môi trường.
Nói lên mặt trái của khí đốt cũng là để thúc đẩy các nước có ý thức trong việc tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu các kỹ thuật cất giữ khí CO2 cũng như là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Cơ quan Năng lượng Quốc tế sợ rằng các Chính phủ lãng quên các cam kết của mình trong việc bảo vệ môi trường, khi mà khí đốt là một nguồn nhiên liệu rẻ tiền và dồi dào.
Song Hà