LTS: “Một xã hội vô cảm sẽ là một xã hội chết - cái chết trước hết từ tâm hồn” - Nhận định đó quả thật không sai trước sự vô cảm đang hiện hữu và ngày càng lan rộng trong đời sống xã hội như một thứ dịch bệnh. Đừng nghĩ thứ “virut vô cảm” ấy không ảnh hưởng đến bản thân bạn, gia đình bạn. Người bị tai nạn giao thông nằm lại trên đường không được đưa đến bệnh viện kịp thời, người bị cướp giật đơn độc chống lại kẻ bất lương trong khi bao người khác đứng nhìn, những đồng tiền cứu trợ bị cắt xén đút túi kẻ có quyền vô lương... Vô cảm nhiều khi chính là tội ác! Hãy cùng chúng tôi, mỗi người góp một tiếng nói, ngõ hầu đẩy lùi căn bệnh này trước khi nó trở thành đại dịch nhấn chìm chúng ta! Mọi bài vở xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống: “Diễn đàn: Tuyên chiến với vô cảm”, email: baoskds@yahoo.com hoặc bandientuskds@gmail.com.
Trong cuộc sống ngày nay, ta có thể bắt gặp vô vàn những biểu hiện của vô cảm, xuất phát từ cả suy nghĩ và hành động. Người ta dửng dưng, thờ ơ với những chuyện ngoài đường, ngoài chợ, chuyện cơ quan, tập thể... Ngay cả thanh thiếu niên - những người luôn được giáo dục về tình thương trong gia đình và nhà trường cũng đang có những biểu hiện của lối sống vô cảm. “Bệnh” vô cảm đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội, len lỏi khắp mọi nơi. Nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà còn xâm nhập vào trong các gia đình, những người thân ruột thịt. Không khó để chứng kiến cảnh nhà này, nhà kia con cái ngược đãi bố mẹ, tranh giành quyền thừa kế. Lại có trường hợp bố mẹ đẻ ngược đãi thậm tệ ngay chính con đẻ của mình một cách hết sức nhẫn tâm nhiều khi chỉ vì con học kém làm ảnh hưởng uy tín của bố mẹ!!!
Người ta thường đổ lỗi cho thói vô cảm là do giáo dục, do các yếu tố xã hội này nọ tác động. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, vô cảm xuất phát từ trong chính suy nghĩ mỗi cá nhân. Trước đây, trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống khó khăn, con người ta sống với nhau đầy ắp tình thương, tình làng nghĩa xóm, bán anh em xa mua láng giềng gần, tắt lửa tối đèn gian khó có nhau... Còn bây giờ, cuộc sống đã sung túc và xã hội phát triển hơn rất nhiều, con người ta được tiếp cận với cách sống cởi mở và thoáng đạt hơn thì cũng nảy sinh nhiều thói đời ích kỷ, thực dụng và đòi hưởng thụ hơn. Khi tiếp nhận lối sống mới, lối sống của nhiều nền văn hóa khác nhau, con người ta bắt đầu hiểu được sức mạnh của đồng tiền, của sự thỏa mãn nhu cầu. Cái tôi cá nhân lớn hơn hết thảy. Thời buổi kinh tế thị trường với những áp lực của chuyện cơm, áo, gạo, tiền đã khiến cho nhiều người trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với những vấn đề của người khác, chỉ chăm lo cho quyền lợi của cá nhân mình. Vô cảm sẽ gây nhiều hậu quả to lớn và lâu dài cho không chỉ mỗi cá nhân mà còn là mối họa với cộng đồng. Nó đã và đang biến con người thành kẻ vô văn hóa, vô trách nhiệm, thậm chí vô lương tâm, vô nhân tính. Người ta đang sống không phải bằng trái tim con người.
Từ câu chuyện về “bệnh” vô cảm, tôi muốn liên hệ với ngành y tế. Lâu nay, nhất cử nhất động mọi hoạt động của ngành y đều được lăng kính truyền thông truyền tải rất cập nhật vì đây là ngành quá nhạy cảm và là lĩnh vực gắn liền với sự sống của con người. Có nhiều trang điện tử chỉ chuyên bới móc, thổi phồng những sơ suất của cán bộ y tế mà không nêu những tấm gương ngày đêm quên mình cứu người qua cơn hoạn nạn. Tôi đã đến thăm bệnh viện ở bang nhỏ của nước Đức để xem cán bộ y tế của họ làm việc vất vả thế nào (vì trước khi sang châu Âu, tôi được nghe nói nhiều về cuộc sống phương Tây chịu áp lực cao). Điều làm tôi ngạc nhiên là với đất nước 82 triệu dân, vậy mà công việc của y bác sĩ không hề phải chịu áp lực. Bệnh viện vắng vẻ, bệnh phòng rộng rãi và trang thiết bị khám chữa bệnh cực kỳ tối tân đã trợ giúp nhiều cho công việc của y bác sĩ. Đồng lương của họ rất cao, không phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, thoải mái cống hiến và thể hiện năng lực. Thế mà ở nước ta, tại các bệnh viện lớn, bệnh nhân lúc nào cũng đông như “biểu tình”. Mỗi ngày làm việc, một bác sĩ phải thăm khám cho hàng trăm bệnh nhân, phải trả lời, phải hướng dẫn cho bao người bệnh. Vậy mà lương vẫn không đủ sống. Đã vậy, trang thiết bị y tế còn nhiều hạn chế mà vẫn thực hiện được những ca phẫu thuật khó ngang tầm thế giới, khiến đồng nghiệp phương xa cũng phải thán phục. Thế mà chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nổi khùng, sẵn sàng tấn công, hành hung bác sĩ. Truyền thông vào cuộc đăng tin nóng, quy chụp trách nhiệm cho y bác sĩ. Thử hỏi đây có phải là thói vô cảm, đòi hưởng thụ trong xã hội ta đang lan nhanh và mạnh? Tôi cũng bất bình với tình trạng phong bì, với hành động nhân bản xét nghiệm, vứt xác bệnh nhân xuống sông... của một số rất ít cán bộ y tế. Đó thực sự là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng đừng vì vài hiện tượng mà suy ra bản chất. Thông tin phải rộng mở và nhiều chiều để động viên đội ngũ y bác sĩ vượt lên khó khăn, vững tin cống hiến. Đừng đối xử với ngành y bằng thói vô cảm! Xin đừng...
Đức Toàn