Câu chuyện về Công ty cổ phần XNK Kim Sơn cam kết thu mua không giới hạn số lượng và thời gian toàn bộ số dứa thối, hỏng hàng trăm tấn cho bà con xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) coi như một cách hỗ trợ phần nào thiệt hại nghi do ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, bà con chưa kịp mừng thì đã hụt hẫng vì đột nhiên công ty dừng mua sản phẩm. Xem ra, việc này không khác gì một số doanh nghiệp đã từng “tự nguyện” mua nông, thủy sản hỏng, nhưng bà con vẫn phải mòn mỏi... chờ.
Trước đó, vì hàng trăm tấn dứa chuẩn bị được thu hoạch đem bán thì bất ngờ bị thối hỏng, chết héo, hàng chục người dân ở xã Bản Lầu đã kéo đến trụ sở UBND xã Bản Lầu và khu vực Nhà máy luyện kim của Công ty cổ phần (CTCP) Tứ Đỉnh, ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương để kiến nghị và yêu cầu xem xét, bồi thường thiệt hại. Theo người dân địa phương, nguyên nhân là do dứa bị nhiễm khí thải độc hại của nhà máy luyện kim thải ra, phát tán vào môi trường xung quanh.
Người dân mang dứa hỏng ra điểm tập kết để bán cho Công ty Kim Sơn nhưng vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa bán hết dứa hỏng thì công ty này đã thông báo dừng mua. Ảnh: Chí Tuệ
Sau khi kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu CTCP Tứ Đình thống kê thiệt hại, xác định giá trị tài sản rồi khắc phục thiệt hại cho bà con. Đại diện CTCP Tứ Đỉnh đã giới thiệu CTCPXNK Kim Sơn thu mua dứa bị thối hỏng cho bà con. Nguyên nhân làm cho dứa thối hỏng đang chờ kết luận chính thức, việc doanh nghiệp thu mua dứa để hỗ trợ bà con nông dân địa phương là đáng ghi nhận.
Không rõ và cũng không đề cập đến việc công ty “nghĩa hiệp” kia mua dứa thối, hỏng về để chế biến món đặc sản gì hay để “nghiên cứu” như lời lãnh đạo công ty này phát biểu thì ít nhất điều đó cũng tạm giảm bớt bức xúc của bà con. Tuy nhiên, đến chiều 21/3, công ty này đã tạm dừng không thu mua dứa hỏng cho người dân.
Câu chuyện này không khác mấy về “cốt” so với chuyện “mua cá chết” sông Bưởi ở Thạch Thành, Thanh Hóa của Công ty CP Mía đường Hòa Bình giữa năm 2016. Công ty CP mía đường Hòa Bình đã phải chịu trách nhiệm về việc xả thải trái quy định của mình cho 34 hộ dân với số lượng cá chết là 17,5 tấn với tổng số tiền đền bù là 1,4 tỉ đồng (giá 80.000đồng/kg cá).
Thực trạng trên cũng lại giống hệt kịch bản vừa diễn ra tại Nghệ An. Sau sự cố vỡ đập chứa bùn thải thiếc của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc khiến hàng trăm kg cá chết, nhiều diện tích lúa nước của bà con nông dân bị ô nhiễm, đầy bùn thải thì phía CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh (công ty mẹ của Xí nghiệp Suối Bắc) đã bước đầu hỗ trợ 20 hộ dân có cá chết tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Công ty này cũng cam kết sẽ tiếp tục “mua cá chết” khi có kết luận chính thức nguyên nhân.
Việc các doanh nghiệp luyện kim, khai khoáng, mía đường… đang bỏ tiền ra để “trả” cho những sản phẩm nông nghiệp hỏng, cá tôm chết… là một tín hiệu đáng buồn và lo ngại. Thật ra, họ chỉ đang thực hiện một phần cái gọi là trách nhiệm khi gây ra thiệt hại theo đúng như quy định của pháp luật. Nhưng những thứ lớn hơn là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, cây cối của toàn bộ khu vực sẽ còn đọng lại chưa biết đến bao giờ. Vết thương của môi trường theo các chuyên gia thường phải mất tới hàng chục, hàng trăm năm để hồi phục. Những khắc phục trước mắt kia của những doanh nghiệp làm bừa, làm ẩu đâu có thấm tháp gì và là quá nhỏ bé so với tương lai mờ mịt của hàng vạn người dân bị ảnh hưởng.
Dứa thối, hỏng bất thường chất đầy đường khiến bà con gặp nhiều khó khăn.
Dựa vào thực tế những “hệ thống xử lý chất thải” đầy đủ quy trình “trên giấy cam kết” mà những doanh nghiệp khai thác, sản xuất vẫn đang nhìn nhau làm, trong sự lỏng lẻo quản lý môi trường của địa phương thì người ta hoàn toàn có thể nhìn thấy trước những gì đang chờ đợi phía sau. Đó là những “sự cố” mang nặng tính cố tình hơn là biến cố.
Lại vừa mới có thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện tại, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương cử cán bộ xuống lấy mẫu nước tại các đầm của người dân và cống xả nước của Nhà máy đường Khánh Hòa để xét nghiệm xác định nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Còn nguyên nhân mà người dân khẳng định chắc như đinh đóng cột là Nhà máy đường Khánh Hòa xả nước thải ra đầm khiến tôm, cá bị chết gây thiệt hại lớn cho dân bởi họ đã quay phim, chụp ảnh được cống thải nhà máy đang xả ồ ạt, nước màu đen kịt và mùi hôi thối nồng nặc. Đại diện công ty này cũng thừa nhận hệ thống xử lý nước thải bị quá tải cục bộ và tràn ra ngoài. Đáng chú ý, theo thông tin từ UBND huyện Cam Lâm thì trước đây, Nhà máy đường Khánh Hòa đã bị phạt nhiều lần vì xả thải ra đầm Thủy Triều làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Có thể lại một doanh nghiệp sản xuất đường chuẩn bị “thu mua cá chết” nữa chăng?