Khi di tích “mọc” lên công trình lạ

30-03-2018 07:54 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Xâm hại, xây mới công trình trong lòng di tích, di sản từ lâu đã không còn là hiếm ở nước ta. Tuy nhiên, thực tế phản ánh năm này qua năm khác, nhiều di tích, di sản ở Việt Nam vẫn bị xâm hại hoặc xuất hiện công trình xây mới khiến dư luận dậy sóng và khiến báo giới tốn không ít giấy mực.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), tính đến hết năm 2016, tổng số di tích đã được xếp hạng quốc gia có 3.329 di tích. Trong khi đó, tổng số di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tính đến hết 2016 có 85 di tích, số di sản được UNESCO vinh danh là 25. Những con số trên cho thấy Việt Nam là quốc gia giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, đồng thời các di tích, di sản trải đều ở các vùng miền cũng như nhiều địa phương trên đất nước hình chữ S.

Tuy nhiên, trong lúc không ngừng nỗ lực bảo vệ, phát huy các giá trị di tích, di sản trong đời sống xã hội thì thời gian qua, nhiều công trình mới “mọc” lên trong lòng di tích khiến người dân không khỏi lo lắng. Tháng 2/2018, tại lăng miếu núi Sam (TP. Châu Đốc, An Giang) - Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, một doanh nghiệp đã cho xây tượng Bà Chúa Xứ khổng lồ tại đây. Nhiều người dân bức xúc và đánh giá việc xây dựng tượng Bà Chúa Xứ tại núi Sam là xâm phạm nghiêm trọng quần thể di tích. Ngay khi nắm được thông tin này, các cơ quan liên quan và ban ngành chức năng tỉnh An Giang đã vào cuộc điều tra, từ đó khẳng định doanh nghiệp chưa lập đầy đủ thủ tục theo quy định để xây dựng tượng Bà Chúa Xứ trên núi Sam. Việc xây dựng tượng này chưa được sự ủng hộ của người dân và một số nhà khoa học. Vì vậy, UBND tỉnh An Giang yêu cầu doanh nghiệp phải dừng thi công, đồng thời tháo dỡ tượng Bà Chúa Xứ để di tích núi Sam đảm bảo các giá trị văn hóa lịch sử vốn có.

Khi di tích “mọc” lên công trình lạTam quan mới được xây dựng tại chùa Bổ Đà (tỉnh Bắc Giang) gây những băn khoăn trong dư luận.

Sự việc trên chưa kịp lắng xuống thì vừa qua, tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, Bắc Giang) bỗng “mọc” lên tam quan mới tạo ra những ý kiến trái chiều, băn khoăn trong dư luận. Theo đó, tại chùa Bổ Đà gần đây, nhiều người ngỡ ngàng khi công trình tam quan mới được xây dựng với thiết kế 5 gian, 2 chái chưa từng thấy. Chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2016, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân tự. Hệ thống tượng Phật thời Lê bằng gỗ được lưu giữ khá đầy đủ ở chùa Bổ Đà, cùng với kho di sản Hán - Nôm phong phú như bia đá, hàng trăm cuốn kinh sách, trong đó có bộ mộc bản kinh Phật thiền phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam, được khắc vào khoảng năm 1741.

Trước việc trong không gian di tích chùa Bổ Đà có công trình tam quan mới, nhiều ý kiến chuyên gia đã chia sẻ về vấn đền này. TS. Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học cho biết, chùa Bổ Đà từ trước tới nay trong các sử liệu không có tam quan. Trong cuốn Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích do TS. Nguyễn Hồng Kiên chủ biên cũng chỉ ra điểm độc đáo của chùa Bổ Đà ở chỗ “chùa không có tam quan dù có tới hai lớp cổng nối nhau bằng các trình tường bằng đất”. Vì thế việc xây dựng tam quan mới tại chùa Bổ Đà là không cần thiết, phải tính toán kỹ nếu không sẽ làm ảnh hưởng, xâm hại  đến di tích. Chùa Bổ Đà, chùa Thầy và chùa Tây Phương không cần thêm tam quan bởi đây là điểm rất riêng, độc đáo không chỉ về kiến trúc mà cả về tôn giáo - tín ngưỡng. Trong khi đó, PGS.TS. Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, trùng tu di tích ở những nơi “nhạy cảm” nên tổ chức những hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia có thẩm quyền để tìm ra phương án tối ưu trên nguyên tắc bảo tồn hiện trạng và trùng tu một cách hợp lý, hợp tình.

Trước những ý kiến trái chiều về tam quan mới được xây dựng tại chùa Bổ Đà, mới đây đoàn thanh tra Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) đã có chuyến thực địa để mục sở thị công trình này. Sau khi thực địa, đại diện Cục Di sản đánh giá “kiến trúc tam quan đang triển khai thi công không hoàn toàn đúng với hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà đã được Bộ VH-TT&DL thẩm định tại Công văn số 4401/BVHTTDL-DSVH ngày 31/10/2016”. Theo đó, hồ sơ được thẩm định với quy mô mặt bằng 3 gian 2 chái, nhưng hiện tại công trình tam quan được xây dựng với quy mô 5 gian, 2 chái.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai, chùa Bổ Đà có cái hay là nhỏ. Bổ Đà vừa là chùa vừa là một công trình phòng thủ với tường đất xây cao. Vì thế, nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai cho rằng, nếu muốn xây thêm gì đó thì phải tôn trọng việc giữ tỷ lệ, việc xây tam quan này rất đáng tiếc vì về mặt thẩm mỹ làm tỷ lệ của chùa Bổ Đà cũ bị lệch lạc.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn