Khi đếm tiền cũng nên “xem tiền”

24-03-2009 6:10 AM | Thời sự

Ở Việt Nam, việc thanh toán trong giao dịch mua bán chủ yếu bằng tiền mặt. Theo Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ,

 Loại tiền giả thu giữ được nhiều nhất qua các vụ vận chuyển tiêu thụ trái phép gần đây là tiền polymer mệnh giá 100.000đồng.
Ở Việt Nam, việc thanh toán trong giao dịch mua bán chủ yếu bằng tiền mặt. Theo Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Tất Huynh, đã xuất hiện tiền giả mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng, thậm chí cả 500.000 đồng. Bọn buôn tiền giả thường trộn lẫn với tiền thật để mua hàng sau đó lại bán hàng để lấy tiền thật về. Tất nhiên, bọn buôn bán lưu hành tiền giả sẽ bị pháp luật xử lý song người vô tình có tiền giả sẽ không được đổi lại tiền có mệnh giá tương đương. Nếu không nghiêm trọng, ngân hàng sẽ tịch thu, đục lỗ tiền và nhập quỹ tiền giả để nghiên cứu, giảng dạy, tập huấn cho cán bộ ngân hàng hoặc tiêu hủy. Tốt nhất, nên kiểm tra tiền trong túi mình và khi giao dịch mua bán, cùng với việc đếm tiền cũng nên “xem tiền” để phát hiện những đồng tiền nghi vấn kẻo bị mất oan. Các yếu tố bảo an có thể kiểm tra bằng xúc giác và thị giác đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết tiền giả. Có mấy cách có thể phát hiện ra tiền giả như sau:

Nên vuốt nhẹ lên bề mặt tờ bạc giả, sẽ không cảm nhận được các chi tiết in lõm hay in dập nổi như ở tiền thật. Ở tiền thật, do được in bằng công nghệ in đặc biệt, nên bề mặt tiền có độ dày. Khi dùng tay vuốt, bề mặt tờ tiền không trơn mà có độ sần đều. Còn tiền giả, độ sần được tạo ra từ việc chọc lỗ nên khi vuốt, vết sần khác thường, thưa và không đều nhau.

Cầm tờ tiền nghi vấn chao nghiêng trước ánh sáng để kiểm tra mực đổi màu. Đối với tiền polymer loại mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 20.000 đồng và 10.000 đồng, nếu cầm tờ bạc chao nghiêng, tiền thật sẽ hiện lên các chi tiết in màu vàng thể hiện mệnh giá tờ bạc đó (còn gọi là chi tiết bảo an). Ở tiền giả không có chi tiết này. Đối với loại tiền mệnh giá 100.000 đồng, cần lưu ý kiểm tra chi tiết in hình hoa văn ở góc trên phải mặt trước của tờ bạc. Khi chao nghiêng tờ bạc, chi tiết  này sẽ đổi từ màu vàng sang màu xanh. Ở tiền giả, chi tiết in này không đổi màu.

Tiền thật có cửa sổ trong suốt và nhìn vào cửa sổ lớn sẽ thấy có cụm số dập nổi tinh xảo. Ở cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn. Khi đưa cửa sổ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng. Ở tiền giả không có yếu tố hình ẩn này.

Soi tiền trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm và hình định vị. Ở các tờ bạc thật, khi soi trước nguồn sáng, sẽ thấy một sợi dây bảo hiểm chạy dọc tờ bạc có các dòng chữ: “NHNNVN*100.000” (tương ứng với mệnh giá) lặp đi lặp lại và đảo chiều. Tại cửa sổ nhỏ (góc trên bên trái) của tiền thật, có hình hoa cúc cách điệu, nhìn thấy khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn trong. Tờ bạc giả không có các chi tiết này.

Dùng kính lúp và đèn cực tím. Ở tiền thật: Mảng chữ siêu nhỏ “NHNNVN” hoặc số mệnh giá lặp đi lặp lại nhìn thấy dưới kính lúp. Cụm số mệnh giá, số seri  khi soi dưới đèn cực tím sẽ phát quang. Ở tiền giả không có dòng chữ siêu nhỏ, không có mực không màu phát quang hoặc phát quang yếu.      

Tam Lê


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH