Ông Michel Blanchard, Nguyên trưởng đại diện Văn phòng hãng thông tấn AFP tại Việt Nam (từ năm 1981 đến 1983), đã trở lại Việt Nam trong một dự án nhiếp ảnh mang tên Việt Nam những năm 80. Triển lãm vừa được khai mạc tại Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền vào chiều ngày thứ Sáu, mùng 8 tháng Tư 2016.
Những năm 80 là thời hậu chiến tại Việt Nam. Thế giới quan tâm đặc biệt đến Việt Nam thời kỳ này- ông Michel Blanchard khẳng định tại cuộc hội thảo chiều cùng ngày khai mạc triển lãm. Thời điểm này, AFP là cơ quan báo chí phương Tây duy nhất có phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Với vị trí “duy nhất” này, ông Michel Blanchard có dịp tiếp xúc với nhiều yếu nhân của Việt Nam lúc đó. Trong trí nhớ của ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà văn hóa lỗi lạc, am hiểu và yêu nước Pháp. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một nhà ngoại giao bẩm sinh.
Tác nghiệp trong thời kỳ đó thật không dễ dàng, ông Michel Blanchar nhớ lại : Chúng tôi mở văn phòng, nhỏ thôi, tại phố Phùng Khắc Khoan. Lúc đó, những người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đa số chọn những khu có vẻ như điều kiện an ninh đảm bảo hơn như là khu Vạn Phúc, Khách sạn Thống Nhất ( KS Sofitel Metropole bây giờ)…. Chúng tôi đánh bài bằng máy chữ. Sau đó chuyển qua máy điện toán để truyền về Paris. Thời đó hay mất điện, đó là trở ngại đáng kể cho tác nghiệp của các phóng viên. Tuy nhiên, văn phòng ở Phùng Khắc Khoan không tệ, nếu như so với hoàn cảnh của Việt Nam lúc đó. Ngôi nhà có 4 phòng như thế thường là để dành cho 4 gia đình ở. Hà Nội lúc đó có rất ít cửa hàng tư nhân. Dành cho người nước ngoài trong trí nhớ của ông Michel Blanchar chỉ có 3 cửa hàng là trên phố Chả Cá, Lý Quốc Sư và một phố nhỏ cũng thuộc 36 phố phường mà ông không còn nhớ tên. Cuộc sống đơn giản. Người dân chủ yếu đi xe đạp, về sau bắt đầu sắm xe máy, nhưng là những chiếc xe máy cũ của Nhật. Trời rét thì đa số mặc 4 áo mỏng để giữ nhiệt. Tuy nhiên, khi “ông Tây” giơ máy lên chụp ảnh, những người dân nơi đây đều tỏ ra vui vẻ. Cảm giác rất là dễ dàng, thân thiện- ông Michel Blanchar chia sẻ.
Michel Blanchar thuê một chiếc xe đạp, lang thang các phố phường Hà Nội. Đó chính là lúc ông tích cho mình một kho tư liệu về cuộc sống của con người Hà Nội những năm 80. Ông kể rằng, cho đến tận bây giờ vẫn còn nhớ hình ảnh những cậu học trò ngồi học dưới ánh đèn đường heo hắt của Hà Nội thời đó. Bởi những tháng ngày lang thang đó, mà có một Hà Nội những năm 80 qua con mắt của một người nước ngoài, khiến người xem của ngày hôm nay xao động, đặc biệt là những người đã sống qua thời bao cấp.
Có thể bạn sẽ có cảm giác “chưa đã” khi đến xem triển lãm này. Hơn 50 bức ảnh chụp nhiều địa danh, với Hà Nội chiếm đa số, chưa thể là bức tranh toàn diện, ăm ắp về một Việt Nam những năm 80. Nhưng cảm giác rưng rưng là có thật, khi ảnh làm ùa về những ngày xưa ấy, với những gì đã chỉ còn là hoài niệm : Tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng, Chợ hoa Hà Nội ngày tết, Xích lô và những bó hương phơi trên phố cổ, Phố cổ một ngày mùa đông, Cửa hiệu cạnh chợ Đà lạt, Thợ cắt tóc đường phố ở Huế… Ngoài ảnh, Michel Blanchar đã viết 3 cuốn sách về Việt Nam, một loại sách tương tự như sách hướng dẫn du lịch.
Michel Blanchar đã chụp ảnh không với tham vọng phục dựng cuộc sống con người Việt Nam ở một thời kỳ đặc biệt. Đó chỉ là những lát cắt tình cờ từ cuộc sống. Hay đó là những giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật của ánh sáng, để khỏa lấp phần nào cảm giác cô đơn do công việc đặc biệt của ông đem lại. Tôi hiểu điều đó, khi nghe ông tâm sự : Thời đó, có những phóng viên phương Tây đưa tin và hình ảnh hoàn toàn sai lệch về Việt Nam. Tôi là phóng viên phương Tây duy nhất thường trú ở Việt Nam lúc đó, tôi biết sự sai lệch đó là có mục đích. Nhưng việc họ đưa tin như vậy cũng đẩy tôi vào tình thế bất lợi. Tôi đã phải đối mặt với sự không tin tưởng, bị nghi ngờ, bị đặt câu hỏi về quá trình tác nghiệp của mình. Tôi đã trải qua cảm giác tác nghiệp rất đơn độc.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Hà Nội 1982, Chợ hoa ngày Tết
Hà Nội 1984, Tàu điện phố Hàng Đào
Hà Nội, 1983, Hai bố con ở Hồ Hoàn Kiếm
Hà Nội 1982 trên đường Phùng Khắc Khoan
Hà Nội 1983, Tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng
Hà Nội 1984, Phố cổ một ngày mùa đông
Việt Nam 1988, Thợ cắt tóc đường phố ở Huế
Việt Nam 1983, Cửa hiệu cạnh chợ Đà Lạt
Việt Nam 1983, Cặp vợ chồng Hà Nội ngồi nghỉ bên bờ hồ Hoàn Kiếm một ngày chủ nhật