Nói đến nụ cười, ít người biết rằng trong y học và hóa học có một chất khí được dân gian gọi bằng một cái tên trìu mến là “khí cười”, bởi tác dụng gây cười với người hít phải nó. Bài viết này xin tiết lộ và chia sẻ cho các độc giả về bộ mặt thật của “khí cười” cũng như vai trò quan trọng của nó trong y khoa ngày nay.
“Khí cười” là tên thường gọi của hợp chất di-ni-tơ mô-nô-xít, ký hiệu hóa học là N2O, được phát hiện lần đầu bởi nhà hóa học Joseph Priestley vào năm 1772. 40 năm sau đó, N2O chính thức được điều chế để làm thuốc giảm đau và gây tê trong nha khoa. Cho đến ngày nay, nó đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều quy trình gây tê, gây mê phẫu thuật và nha khoa, có độ an toàn cao và khả năng hồi phục nhanh chóng cho người bệnh với giá thành phải chăng.
Các quan sát cho thấy hiệu ứng giảm đau và gây cười của N2O được phát huy trực tiếp vào trong tủy sống và những trung khu thần kinh đảm trách cảm giác đau trong não. Theo kết luận mới nhất của các nhà khoa học, N2O tác động lên các tế bào GABA (Gamma Aminobutyric Acid) có chức năng kìm hãm những tế bào thần kinh gây buồn ngủ. Trong thời gian đó, chất khí này cũng đồng thời can thiệp vào quá trình sản sinh ra các tế bào liên lạc thần kinh nội sinh (neurotransmitter) như opioid peptide và serotonin - một loại hoóc-môn có khả năng tạo ra cảm giác hưng phấn và hạnh phúc. Chính việc giải phóng các neurotransmitter đã kìm hãm sự phát ra cảm giác đau đớn trong não và kích hoạt khả năng giảm đau.
“Khí cười” hoạt động như thế nào?
Quá trình gây tê bằng “khí cười” được chia thành nhiều lần thực hiện, mỗi lần chỉ nên kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn trong giới hạn cho phép, bởi N2O thuần khiết là một hợp chất thiếu oxy. Việc hít vào quá nhiều N2O trong một lần với thời gian kéo dài sẽ khiến người hít ngạt thở dẫn đến bất tỉnh, thậm chí tử vong. Để đảm bảo an toàn, người ta hòa trộn N2O với khí oxy trong hầu hết các loại thuốc mê và thuốc tê y khoa, với lượng oxy tối thiểu là 30%. Thuốc Entonox - một loại thuốc tê dùng trong sản khoa để giảm đau cho các sản phụ trong quá trình sinh nở - có 50% oxy và 50% N2O.
N2O có khả năng tạo ra cảm giác hưng phấn
Dụng cụ gây tê bằng “khí cười” tương tự như một máy xông, với ống dẫn khí và mặt nạ xông cho người bệnh. Với các công tắc và nút xoay trên máy, người sử dụng có thể điều chỉnh tỉ lệ hòa trộn N2O và O2 sao cho phù hợp nhất. Hệ thống lưu lượng kế và các thông số áp suất trên máy cho phép người sử dụng kiểm soát lượng khí được truyền dẫn đến người bệnh.
Với việc sử dụng thuốc tê N2O - O2, bệnh nhân sẽ trải qua bốn giai đoạn giảm đau như sau tùy vào liều lượng và thời gian xông:
1. Cơ thể bắt đầu cảm thấy ấm dần lên.
2. Kế đến là cảm giác hưng phấn, trạng thái lâng lâng khoan khoái. Nếu liều lượng thuốc tê N2O - O2 cao hơn mức cho phép thông thường, thính giác cũng như khả năng nghe của người bệnh có thể tạm thời bị tê liệt hoặc rối loạn ở giai đoạn này.
3. Nếu việc xông thuốc vẫn còn tiếp diễn, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, không thể mở nổi mi mắt, thậm chí nằm mơ. Nếu người bệnh có cảm giác muốn nôn ói, đây là dấu hiệu của tình trạng hít “khí cười” vượt mức an toàn, cần phải dừng lại ngay lập tức!
Trong hầu hết các trường hợp gây tê bằng N2O - O2 thông thường, người bệnh chỉ phải trải qua ba giai đoạn đầu. Giai đoạn thứ tư cũng như tình trạng mơ ngủ chỉ xảy ra khi liều lượng N2O hít vào quá nhiều hoặc quá lâu, kèm theo đó là những triệu chứng khó chịu như nôn ói hoặc mê man. Liều lượng N2O - O2 hít vào cần phải điều chỉnh lại trước mỗi lần xông, bởi khả năng hấp thụ hoặc chịu đựng của mỗi người sử dụng lại khác nhau.
Bên cạnh tác dụng tích cực là gây tê an toàn, khí N2O có thể có vài hiệu ứng không mong muốn, bao gồm khả năng gây tê liệt mọi cảm giác trên cơ thể, đặc biệt là thính giác, xúc giác và cảm giác đau, thậm chí làm vô hiệu hóa vài trung khu thần kinh đảm trách cảm xúc của não bộ trong thời gian nhất định. Khả năng ứng phó linh hoạt và ký ức của người bệnh cũng có thể bị tổn hại phần nào nếu việc xông N2O bị lạm dụng tùy tiện hoặc quá liều lượng cho phép.
Nhìn chung, nếu bạn cảm thấy quá khó chịu trong quá trình xông thuốc tê có chứa N2O, hãy báo hiệu cho bác sĩ hoăc nha sĩ của bạn, hoặc tháo mặt nạ xông ngay lập tức.
Vài ưu điểm của phương pháp gây tê bằng “khí cười”
- Tác dụng nhanh chóng: Khí N2O tác động đến bộ não chỉ trong vòng 20 giây; cảm giác hưng phấn và giảm đau sẽ xuất hiện trong vòng 2 - 3 phút kể từ lúc xông khí.
- Bác sĩ hoặc người sử dụng có toàn quyền kiểm soát mức độ và liều lượng gây tê bằng cách sử dụng các nút nhấn và công tắc trên máy xông. Chúng ta không thể làm được điều này trong nhiều phương pháp gây tê khác.
- Với nhiều phương pháp gây tê khác, bệnh nhân cần một khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi và lấy lại sức. Với phương pháp xông “khí cười”, chất khí gây tê sẽ tự biến mất khỏi cơ thể trong vòng 3 - 5 phút sau khi tắt máy xông. Bạn có thể chạy xe về nhà bình thường mà không cần nhờ người thân hộ tống.
- Đây là một phương pháp gây tê nhẹ nhàng, hiệu quả mà không cần phải tiêm thuốc qua da - điều mà nhiều bệnh nhân sợ hãi trên thực tế.
- Gây tê bằng cách xông khí là một phương pháp an toàn và hầu như không có phản ứng phụ. Việc gây tê bằng N2O - O2 không để lại hậu quả hay tác động tiêu cực nào đối với các cơ quan nội tạng như tim, phổi, gan, thận hay não.
Chống chỉ định
Việc sử dụng N2O trong y khoa vẫn có những trường hợp chống chỉ định nhất định. Chẳng hạn, những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật mắt liên quan đến thủ thuật lấy bỏ dịch thủy tinh (vitrectomy) thì tuyệt đối không nên xông “khí cười”, bởi N2O sẽ tác dụng với những bóng khí được bơm vào mắt để cố định võng mạc, làm các bóng khí này phồng to và vỡ tung, có thể dẫn đến hỏng mắt.
Việc xông N2O có thể làm gia tăng áp lực trong sọ não, nên nó được chống chỉ định với những bệnh nhân chấn thương não. Tuyệt đối không sử dụng “khí cười” với các trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng liên quan đến tắc nghẽn không khí trong cơ thể, bởi N2O sẽ tác dụng với những phần không khí này gây trương phình cùng những hậu quả nguy hiểm khác, chẳng hạn như:
- Chứng tràn khí ngực.
- Sình bụng.
- Tắc ruột.
- Bệnh khí thũng.
- Viêm tai giữa hoặc khi vừa đi bơi lặn xong.
- Chấn thương hàm-mặt.
- Mê sảng.
- Ngộ độc.
Trong trường hợp người bệnh buộc phải xông N2O - O2 liều lượng cao, với tổng thời gian kéo dài hơn 24 giờ hoặc nhiều hơn một lần trong 4 ngày, việc này cần phải được thực hiện với sự giám sát và theo dõi về mặt huyết học, bởi lượng N2O hít vào nhiều có thể gây sa sút lượng vitamin B12 trong cơ thể người bệnh.
PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
(Tổng hợp từ Internet)