Các nhà bác học cảnh báo rằng, nếu internet cứ phát triển với tốc độ vũ bão như hiện nay thì trong tương lai không xa chúng ta sẽ không thể phân biệt được đời thực với cuộc sống ảo. Vậy internet xuất hiện để mở ra cho ta một thế giới, hay ngược lại...
Trong tương lai internet sẽ có bước tiến nhảy vọt. Sẽ tồn tại song song một thế giới dưới dạng các biểu tượng và nhân vật thực tế. Sẽ đến lúc truyền hình và kỹ thuật số hội tụ với nhau. Những gì còn lại của kỹ thuật nghe nhìn truyền thống sẽ nối kết với new media. Con người sẽ có thể tham gia trong các bộ phim hoặc các sô diễn thực tế. Sẽ đến lúc không chỉ truyền tải được hình ảnh, mà cả mùi vị. Môi trường ảo sẽ vô cùng vô tận về khối lượng và các triển vọng. Ngày nay người ta sử dụng thuật ngữ "New media space" để chỉ những phương tiện nghe nhìn mới, bao gồm các website, multimedia, các trò chơi điện tử, hoạt hình, video và phim kỹ thuật số... "Chẳng bao lâu nữa chính con người cũng sẽ trở thành một bộ phận của new media", "New media space" là không gian mà con người có thể tự mình tạo ra, lưu giữ và chuyển tải thông tin. Nó cũng vô tận như vũ trụ vậy... Hiện nay có đầy đủ các điều kiện tiên quyết để tiến tới những bước ngoặt như vậy. Công nghệ cao phát triển mạnh mẽ đến mức khoảng vài năm tới internet sẽ chuyển lên một cấp độ mới. Theo ý kiến của Tim Berners-Li, người sáng lập World Wide Web, tiếp nối internet sẽ là mạng ngữ nghĩa, có khả năng đoán trước ý muốn của người sử dụng. Báo Daily Telegraph dẫn lời ông Tim Berners-Li như sau: "Máy tính sẽ "nắm bắt" văn mạch của thông tin, đồng nhất và đánh giá các mối liên hệ phức tạp giữa con người, các vị trí địa lý và thông tin, rồi tổng kết tất cả những cái đó để đưa ra kết quả tìm kiếm và giảm nhẹ công việc trong chế độ online".
Thế giới ảo sẽ góp phần giúp giảm nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường. |
Khi thế giới ảo phát triển, người ta có thể ngồi ở nhà mình, đăng nhập thế giới ảo để bàn bạc với đồng nghiệp ở Trung Quốc, gặp gỡ đối tác ở Mỹ, làm việc nhóm với các lao động ở Nam Phi... Và mỗi người có thể sống hai hoặc nhiều cuộc đời. Không phải là diễn (như trên phim) mà là sống. Chẳng hạn, cuộc đời này là anh công chức tẻ nhạt, còn cuộc đời kia là minh chủ võ lâm, quyền sinh quyền sát, oai trấn giang hồ. Khi thế giới ảo đã là một phần tất yếu của cuộc sống, một không gian mới mở ra cho rất nhiều hoạt động khác. Chuyện đầu tư mua bất động sản như trong Second Life cũng đã xưa rồi. Ngày nay, Thụy Điển và Maldives đã xây dựng những đại sứ quán ảo trong Second Life với những mục đích rất nghiêm túc là phổ biến văn hóa, cung cấp thông tin, hướng dẫn làm thủ tục cấp visa...
Hạ tầng Internet phát triển và những chức năng ngày càng hoàn thiện hơn trong thế giới ảo, như chức năng giọng nói, hình đại diện (avatar) 3D sinh động... sẽ hỗ trợ rất tốt cho một phương thức làm việc hiện đại - lao động từ xa (teleworking), tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Tiên phong trong việc sử dụng Second Life theo hướng này là tập đoàn IBM. Hiện nay IBM đã dùng Second Life để gặp gỡ lực lượng lao động từ xa của họ ở các nước khác nhau, phổ biến văn hóa tập đoàn và giáo dục ý thức cộng đồng giữa những nhân viên chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời thực. Trong tương lai, IBM sẽ mở rộng các hoạt động trong Second Life, như tạo ra những khu vực riêng cho những cuộc thảo luận riêng, gặp gỡ đối tác, đào tạo nhân lực...
Có lẽ nhận ra tiềm năng trong lĩnh vực này, gần đây Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng với hãng Entropia Universe để xây dựng thế giới ảo riêng, phục vụ nhu cầu học tập, kết giao, làm việc từ xa của người dân. Trung Quốc còn hy vọng thế giới ảo sẽ góp phần giúp họ giảm nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường - những vấn nạn đang khiến họ đau đầu. Từ chơi, đến sống, đến học hành, làm việc trong thế giới ảo là một xu hướng không thể xem thường. Tất nhiên thế giới ảo cũng sẽ mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực, nhưng chúng ta không nên quá bị khía cạnh này thu hút tâm trí đến mức bỏ quên những lợi ích to lớn mà nó có thể mang lại. Sự bành trướng của thế giới ảo trong đời sống nhân loại có thể dẫn đến việc cải tạo, chỉnh lý lại ý thức con người và thậm chí xóa mòn ranh giới. Các nhà phân tích đi đến ý kiến thống nhất rằng internet sẽ trở nên quốc tế hơn và ít phụ thuộc vào tiếng Anh hơn. Chuyên viên giám định của tạp chí Wired Magazine đã nói đùa rằng "mạng internet trong tương lai sẽ mặc kimono của Nhật Bản, nói tiếng Ấn Độ và nghiên cứu tình dục Brazil".
Song Hà