Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, COVID-19 đã trở thành bệnh nhóm B theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, các biện pháp phòng chống dịch cũng được điều chỉnh phù hợp với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Với việc tiêm vaccine COVID-19, Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 của Bộ Y tế nêu rõ, việc xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vaccine phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao.
Lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
Hiện nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19 và là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện chưa có khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 hàng năm, tuy nhiên dựa trên những yếu tổ thực tiễn như biến chủng mới của COVID-19 thì có thể có khuyến cáo mới tiếp theo. Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 của năm 2023, hiện việc tiêm vaccine COVID-19 vẫn miễn phí.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế sẽ được cập nhật và điều chỉnh theo diễn biến dịch bệnh và các biện pháp triển khai công tác phòng, chống dịch trên thực tế.
Một trong những nội dung của Phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế cũng nêu rõ về vấn đề tiêm vaccine: Tiếp cận, tìm nguồn cung và triển khai tiêm vaccine có hiệu lực với biến thể virus mới (nếu có).
Rà soát, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian ngắn nhất cho khu vực nguy cơ cao (nơi có nguy cơ bùng phát dịch lớn xảy ra, tốc độ lây lan nhanh), các đối tượng nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch).
Huy động mọi nguồn lực để tổ chức tiêm vaccine một cách nhanh nhất, đạt tỷ lệ bao phủ cao.
Để phòng chống COVID-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nhất là tại các điểm tập trung đông người như trên các phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các chính sách có liên quan về phòng, chống COVID-19 để người dân hiểu, đồng thuận và chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.