Hà Nội

Khi công nghệ 4.0 bước vào triển lãm

25-10-2019 07:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là lĩnh vực nghệ thuật đề cao tính sáng tạo của cá nhân, cụ thể là các nghệ sĩ.

Thời buổi công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ trong đời sống, sáng tạo nghệ thuật ngày một phổ biến. Đáng chú ý, nhiều triển lãm ở nước ta đã, đang áp dụng công nghệ hiện đại, đem đến cho công chúng trải nghiệm mới lạ, giàu cảm xúc.

Không khó để nhận thấy, công nghệ 4.0 đang ngày một hòa vào đời sống nghệ thuật Việt, trong đó có các triển lãm. Tháng 10/2019, lần đầu tiên công chúng yêu tranh của danh họa Bùi Xuân Phái được hòa mình vào không gian nghệ thuật đặc biệt, với triển lãm Bùi Xuân Phái với Hà Nội. Không làm theo kiểu cổ điển là chỉ trưng bày tranh thuần túy, tại triển lãm này, lần đầu tiên Bảo tàng Hà Nội sử dụng công nghệ 3D mapping vốn có sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim, dựng một mô hình có tỷ lệ kích thước giống hoàn toàn 100% so với vật thể thật. Sau đó từ mô hình trên máy tính, kỹ thuật sẽ tạo các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh để tạo 3D và trình chiếu tới người thưởng lãm. Với việc đưa vào hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và công nghệ 3D mapping vào triển lãm, những giá trị văn hóa tinh thần trong tranh của Bùi Xuân Phái được mỗi người cảm nhận sâu hơn, đồng thời lan tỏa những nét đẹp cổ xưa của Hà Nội. Triển lãm vì thế tái hiện một không gian mới đầy màu sắc nhưng cũng rất thú vị và ấn tượng với người xem. Cùng với không gian trưng bày kết hợp giữa tả thực và sân khấu hóa tạo thị giác, thính giác; công chúng đến với triển lãm Bùi Xuân Phái với Hà Nội nhiều trải nghiệm thú vị mà không phải lúc nào cũng có thể bắt gặp.

Khi công nghệ 4.0 bước vào triển lãmTriển lãm Bùi Xuân Phái với Hà Nội lần đầu tiên sử dụng công nghệ 3D mapping tạo sự mới lạ, ấn tượng với khách tham quan.

Trước đó, người yêu hội họa thế giới và các sáng tác tranh của Van Gogh cũng đã có dịp thưởng thức triển lãm Ấn tượng phản chiếu: van Gogh và tác phẩm tại Hà Nội. Điểm nhấn của triển lãm này chính là việc Ban tổ chức đã ứng dụng công nghệ hiện đại để giới thiệu tới công chúng các kiệt tác của Vincent van Gogh - một trong những họa sĩ xuất sắc nhất thế giới thuộc trường phái Hậu ấn tượng. Triển lãm giới thiệu hơn 35 tác phẩm của danh họa người Hà Lan, trong đó có các bức nổi tiếng như Hoa hướng dương, Tự họa, Hoa hạnh nhân nở… Các tác phẩm hiển thị dưới dạng hình ảnh kỹ thuật số, được trình chiếu luân phiên và tự động thông qua các máy chiếu hiện đại có độ phân giải cao - tương ứng với các chủ đề sáng tác khác nhau: tĩnh vật, chân dung tự họa, cây cối, phong cảnh... Triển lãm vì thế là dịp để bất kỳ ai yêu hội họa nói riêng, nghệ thuật nói chung được thưởng thức các tác phẩm kinh điển của Van Gogh theo cách vừa chân thực, sống động, vừa mới mẻ.

Nhắc tới công nghệ “lấn sân” triển lãm và để lại dấu ấn với công chúng không thể bỏ qua triển lãm có tên gọi Hân hoan do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức. Đến với triển lãm này, khách thưởng lãm chỉ cần tải và cài đặt ứng dụng mang tên La Joie vào điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, sau đó đưa điện thoại đến trước mỗi tác phẩm và ngay lập tức sẽ nhận thấy sự khác biệt: các tác phẩm chuyển động một cách diệu kỳ, trở nên sống động và rực rỡ sắc màu. Những bông hoa bung nở, khoe sắc, những khóm cây trong bức tranh chỉ có 2 màu đen trắng lại trở nên rực rỡ, những tòa lâu đài trở nên lộng lẫy, các tác phẩm biến hình sinh động với hiệu ứng 3D, kết hợp màu sắc, chuyển động và cả âm thanh. Triển lãm này rất hút giới trẻ nước ta vì nó tạo ra sự mới lạ, tạo ra tính tương tác giữa tác phẩm và người thưởng thức thông qua công nghệ. Bên cạnh đó, triển lãm nghệ thuật tăng cường thực tế ảo (augmented reality - AR) diễn ra tại Đà Nẵng giới thiệu 31 tác phẩm do 30 nghệ sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới sáng tác đã khiến nhiều người kinh ngạc. Theo đó, mỗi tác phẩm khi nhìn qua một ứng dụng trên máy tính bảng hoặc smartphone sẽ chuyển động, đầy màu sắc và âm thanh như được thổi hồn trở thành một vật thể sống, trong thế giới thật. Khi đó, ngoài những gì mắt thường nhìn thấy, qua thiết bị điện tử, du khách biết những thông tin khác liên quan đến vật đang được quan sát.

Với những tính năng mà công nghệ 4.0 mang lại, các triển lãm ở nước ta có thể mang lại sự sống cho những tác phẩm nghệ thuật và tôn vinh tác giả lên một tầm cao mới. Khi công nghệ bước với triển lãm, điều này không chỉ giúp người tham quan dễ dàng trả lời câu hỏi mà còn phản ánh một phần câu chuyện đằng sau một thời đại, một phong cách, một ảnh hưởng và cho phép người xem có cảm giác chân thật trong quá trình khám phá tác phẩm đó. Bằng những thao tác đưa thêm các kết nối kỹ thuật số của nội dung tương tác mới trên các thiết bị công nghệ hiện đại (điện thoại thông minh, máy tính bảng...), các triển lãm đem đến một trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn và cuốn hút. Chính vì thế, những triển lãm áp dụng công nghệ 4.0 ở nước ta thời gian gần đây thường đông khách hơn so với những triển lãm tranh, ảnh thuần túy vốn chỉ nhộn nhịp ngày khai mạc rồi rơi vào im lặng.


Tùng Sơn
Ý kiến của bạn