Khi “công bộc” của dân khoanh chân trên chiếu bạc!

06-08-2014 7:00 AM | Thời sự

SKĐS - Pháp luật, pháp lệnh cán bộ công chức cũng như nhiều quy định khác đều nghiêm cấm cán bộ, đảng viên đánh bạc dưới mọi hình thức

Pháp luật, pháp lệnh cán bộ công chức cũng như nhiều quy định khác đều nghiêm cấm cán bộ, đảng viên đánh bạc dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, thời gian qua đã có không ít “công bộc” của dân, trong đó phần nhiều là cán bộ cấp xã bị bắt giữ tại sới bạc. Thậm chí, có trường hợp quan xã đứng ra bảo kê cho sới bạc dưới nhiều hình thức.

Bắt tại chỗ các cán bộ công chức đang “say” bạc

Ngày 2/8, lực lượng Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang 4 đối tượng thường trú tại TP. Hải Phòng về hành vi đánh bạc. Các đối tượng đã sử dụng một phòng nghỉ tại khách sạn Bình Minh (nằm trên đường Trần Phú, TP.Hà Tĩnh) để tổ chức sới bạc. Tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát cơ động thu giữ 12.660.000 đồng, trong đó thu giữ tại chiếu là 5.160.000 đồng và trong người các đối tượng là 7.500.000 đồng; 4 điện thoại di động, 3 giấy chứng minh nhân dân, 1 bộ bài tây 52 quân. Kiểm tra hành chính cho thấy, cả 4 con bạc đều là cán bộ công chức thuộc Cảng Hải Phòng gồm: Phan Văn Thế (25 tuổi trú tại An Dương, TP. Hải Phòng); Đinh Công Hùng (41 tuổi trú tại Hải An, TP. Hải Phòng); Nguyễn Văn Thỏa (57 tuổi trú tại Tiến Thụy, TP. Hải Phòng) và Nguyễn Văn Tám (54 tuổi, trú tại An Lão, TP. Hải Phòng). Hiện, lực lượng Cảnh sát Cơ động hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao người và tang vật cho Cơ quan điều tra Công an thành phố tiếp tục điều tra xử lý theo pháp luật.

Các đối tượng là cán bộ công chức Cảng Hải Phòng bị bắt giữ về hành vi đánh bạc tại Hà Tĩnh.

Các đối tượng là cán bộ công chức Cảng Hải Phòng bị bắt giữ về hành vi đánh bạc tại Hà Tĩnh.

Trước thời điểm này, tổ tuần tra Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân cho biết, tại nhà ông Phan Trọng Thành (đường Nguyễn Sỹ Sách, TP. Vinh) có một nhóm người đang tổ chức đánh bạc. Ngay lập tức, tổ tuần tra có mặt tại hiện trường và ập vào bắt quả tang nhóm đối tượng này. Tại chiếu bạc, công an thu giữ 1 bộ bài túlơkhơ, hơn 43 triệu đồng, 4 điện thoại di động, 1 xe máy và 1 ôtô. 4 người đang sát phạt nhau gồm: Đậu Anh Hùng (SN 1975) trú tại khối Tân Vinh, phường Lê Mao; Nguyễn Văn Hoàn (SN 1981, trú tại khối Phúc Tân, phường Vinh Tân); Tạ Quang Sáng (SN 1979, trú tại khối 17, phường Trường Thi) và Đinh Quang Hòa (SN 1977, trú tại xóm Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc). Điều đáng nói là 4 người tham gia “chiếu bạc” này đều đang là cán bộ, công chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2.

Cách đó không lâu, vào hồi 13h ngày 24/2, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an huyện Đô Lương đã bắt quả tang 1 vụ đánh bạc tại phòng 304, Nhà nghỉ Thương nghiệp, huyện Đô Lương, 4 đối tượng bị bắt gồm: Cao Văn Tình (SN 1972) trú tại xóm 6, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương; Nguyễn Thạc Đào (SN 1960, trú xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn); Phạm Công Hồng (SN 1962, trú tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương) và Nguyễn Như Long (SN 1955, trú xã Thanh Hòa, huyện Thanh Chương). Tất cả 4 đối tượng bị bắt đều là cán bộ đang công tác tại Chi cục Thuế huyện Thanh Chương.

Hệ lụy xấu

Ghi nhận từ những vụ cán bộ, công chức bị cơ quan chức năng bắt giữ vì hành vi đánh bạc cho thấy hình thức cờ bạc chủ yếu được sử dụng là: Đánh phỏm, đánh liêng, tổ tôm, xóc đĩa... Không ít người chỉ xem đó là trò giải trí, tiêu khiển bình thường nhưng càng chơi lại càng “nghiện” và khó có thể thoát ra. Khác với những nhóm cờ bạc chuyên nghiệp, có tổ chức bài bản, giới công chức thường tụ tập đánh bạc một cách ngẫu hứng. Đối tượng tham gia thường chỉ gói gọn trong phạm vi cơ quan, đơn vị, ít khi lôi kéo các đối tượng bên ngoài vào “sới” nên cũng ít xảy ra tình trạng tranh cãi, xô xát lớn, gây sự chú ý đối với cơ quan chức năng. Đây cũng là lý do khiến cho các vụ đánh bạc vẫn âm thầm diễn ra trong các cơ quan, công sở nhưng khó bị phát hiện, xử lý. Chính vì vậy, nạn cờ bạc trong các cơ quan, công sở vì thế lại được thể hoành hành. Tình trạng cán bộ, công chức sa vào “trò đỏ đen” gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình và các cơ quan, đơn vị.

PGS.TS. Phạm Xuân Mỹ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), báo cáo viên Ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi trước giới truyền thông và khẳng định: Nạn cờ bạc trong giới cán bộ, công chức thực sự gây những hệ lụy xấu tới hình ảnh cán bộ, công chức nhà nước. Hiện tượng này phản ánh sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, trong đó có cán bộ cấp xã. Việc đánh bạc không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là một hành vi rất xấu, đặc biệt với cán bộ xã thì không chấp nhận được. Nó ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến các cơ quan công quyền, làm xấu đi hình ảnh của người lãnh đạo, mất đi sự tín nhiệm của nhân dân. Việc tham gia đánh bạc dù thắng hay thua cũng đều để lại hậu quả xấu. Nếu thua sẽ gây thất thoát tài sản, trước hết là tài sản cá nhân. Khi tài sản cá nhân bị thất thoát, người cán bộ đó lại tìm cơ hội để đục khoét tài sản công, tài sản nhà nước. Còn khi thắng bạc, lại sử dụng đồng tiền đó vào mục đích ăn chơi sa đọa, lao vào các tệ nạn xã hội. Tôi cho rằng cần nghiêm khắc chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này để lấy lại lòng tin trong nhân dân đối với cán bộ công chức và uy quyền của pháp luật.

Tại Điều 6, Nghị định số 53/CP ngày 28/6/1994, quy định về mức xử phạt đối với cán bộ, viên chức nhà nước đánh bạc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Bị phạt tiền từ 20.000 - 200.000 đồng và thông báo về cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc cách chức; Nếu tái phạm thì bị phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng và thông báo về cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

ĐỊNH CÔNG

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH