Thiếu máu là tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu bình thường để thực hiện chức năng cung cấp ôxy. Biểu hiện ban đầu ở giai đoạn nhẹ của bệnh thiếu máu chỉ là da kém hồng hào, hay mệt mỏi, chóng mặt, kém tập trung,… khiến người bệnh thường chủ quan không đi khám. Tuy nhiên nếu không được quan tâm điều trị đúng mức, thiếu máu có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân gây thiếu máu
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu như: cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu do thiếu chất sắt, axit folic, vitamin B12, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người bị nhiễm giun hoặc mắc bệnh ung thư, HIV/AIDS, suy thận mạn, bệnh tủy xương, bệnh di truyền,...
Thành phần chủ yếu của hồng cầu là hemoglobin (huyết sắc tố, viết tắt là Hb). Hb là một hợp chất phức tạp chứa sắt, có khả năng thu nhập, lưu giữ và phóng thích ôxy trong cơ thể. Để tạo thành Hb và hồng cầu, cơ thể cần chất sắt, vitamin B12, axit folic và các chất dinh dưỡng khác từ thức ăn. Do đó, thiếu máu do dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt, thiếu axit folic, vitamin B12 là phổ biến hơn cả.
Biểu hiện của thiếu máu
Triệu chứng thiếu máu ở giai đoạn nhẹ biểu hiện ban đầu chỉ là da kém hồng hào, hay mệt mỏi, chóng mặt, kém tập trung, giảm trí nhớ. Nặng hơn có những biểu hiện như: cơ nhão, tim đập nhanh, đau ngực, khó thở khi gắng sức, niêm mạc mắt, lợi và da lòng bàn tay nhợt nhạt, móng tay dẹt, hình thìa, tóc hay rụng; năng suất lao động bị suy giảm rõ,…
Những dấu hiệu và triệu chứng tăng, có thể dẫn đến kiệt sức, rối loạn nhịp tim, chức năng thần kinh bị suy giảm,… Trong một số trường hợp mắc bệnh thiếu máu có tính chất gia đình, di truyền, như thiếu máu tế bào hình liềm, thiếu máu tán huyết,… có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Phòng ngừa như thế nào?
Trong các trường hợp thiếu máu do bệnh lý, người bệnh cần phải khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đối với bệnh thiếu máu do dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt, axit folic và vitamin B12 thiếu sắt có thể phòng tránh được bằng cách ăn uống lành mạnh và đa dạng, cụ thể: Chế độ ăn phải cung cấp đủ năng lượng, dùng các thức ăn giàu sắt, axit folic, vitamin B12 trong thành phần thức ăn như: thịt bò và các loại thịt khác, sữa đậu, đỗ, các loại nước ép cam quýt và trái cây, chuối, rau xanh sẫm lá, ngũ cốc,... Tăng khả năng hấp thụ sắt bằng các thức ăn giàu vitamin C như rau quả, trái cây họ cam quýt, dưa hấu,… Bổ sung bằng viên sắt với các trường hợp có nhu cầu cao như trẻ em đang trong quá trình tăng trưởng, phụ nữ có thai theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh thiếu máu di truyền cần được khám, xét nghiệm và tư vấn trước khi kết hôn để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cho thế hệ sau.
Bác sĩ Vũ Minh