Theo nguồn tin nước ngoài, các nhà khoa học Trung Quốc vừa tạo thành công những con khỉ mang bệnh tự kỷ bằng kỹ thuật chuyển gene để nghiên cứu chữa chứng rối loạn tự kỷ hiện khoa học vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị. Xa hơn, dư luận lo lắng, nếu dự án đi chệch hướng có thể tạo ra họa thay vì phúc, bởi kỹ thuật chuyển gene trên động vật linh trưởng đến nay vẫn chưa được phép.
"Trong nỗ lực nhằm tìm hiểu các rối loạn não bộ con người, các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng công nghệ biến đổi gene để tạo ra những con khỉ có các đặc tính chủ quan, có các dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Việc nghiên cứu tiếp hay không, thành hay bại, dư luận đều lo lắng về mặt đạo đức của dự án”, đó là đánh giá trên tờ Futurism của Australia sau khi đăng tải thông tin liên quan đến dự án nhạy cảm nói trên.
Khỉ chuyển gene “tự kỷ” ra đời như thế nào?
Theo Hiệp hội Tự kỷ quốc gia Mỹ (NAA), rối loạn tự kỷ (ASD) là căn bệnh chứa đựng nhiều bí ẩn bất thường như gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời và không lời, tương tác xã hội và mắc phải một số bệnh đi kèm như dị ứng, hen suyễn, động kinh, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn dai dẳng... Bệnh nhân thường chậm phát triển nhận thức, thậm chí có người lại có trí tuệ đặc biệt, trở thành thiên tài. Đây là căn bệnh thường gặp ở nhóm trẻ nhỏ, tỷ lệ mắc bệnh 1/68 trẻ, khuyết tật thần kinh sinh học thường xuất hiện trước giai đoạn 3 tuổi.
Kỹ thuật chuyển gene trên động vật linh trưởng hiện chưa được phép và còn nhiều tranh cãi về mặt đạo đức.
Theo Nature, Viện Khoa học Thần kinh Thượng Hải, Trung Quốc (INS) là nơi đã tạo ra những con khỉ Macaque trong ống nghiệm bằng kỹ thuật chuyển gene, cấy vào cơ thể chúng một gene người có tên MECP2, gene được xem là thủ phạm làm tăng chứng tự kỷ ở con người. Nghiên cứu nhằm tạo ra những con vật linh trưởng có các hành vi giống trẻ mắc bệnh như gia tăng các hành động lặp đi lặp lại, có những biểu hiện lo lắng gia tăng trong khi đó tương tác xã hội lại giảm mạnh và nhiều hành vi lạ khác thường gặp ở nhóm người tự kỷ.
Điều này có nghĩa những con khỉ chuyển gene sẽ trở thành chuột bạch hay mô hình động vật đáng tin cậy giúp INS nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân, phương pháp điều trị, không chỉ điều trị chứng tự kỷ mà còn trị nhiều căn bệnh nan y khác về thần kinh như chứng rối loạn não, bại não... Thay vì nghiên cứu chuột, nay được thay bằng động vật linh trưởng, bởi chúng có nhiều đặc điểm tương đồng với con người cả về gene lẫn các yếu tố thần kinh, nhận thức, hành vi, hay sự chia sẻ, sự đồng cảm, giao tiếp, chấp hành các quy tắc trong bầy đàn.
Theo INS, trong số những con khỉ chuyển gene có 2 con bị “bệnh nặng” giống như trẻ mắc bệnh trầm trọng do khiếm tật về gene gây ra. Với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng các tiến bộ trong công nghệ di truyền, tạo thành công những con khỉ chuyển gene với đột biến chủ quan của con người.
Trong thí nghiệm, INS đã sử dụng một loại virut để đưa một gene người đã biến đổi có tên MECP2 vào hệ gene của khỉ đuôi dài tạo ra những con khỉ mang bệnh tự kỷ như có các hành vi bất thường, tương tác xã hội giảm, lo lắng, bồn chồn mang tính lặp đi lặp lại, những thay đổi này cũng có thể được truyền lại cho các thế hệ sau.
Khỉ chuyển gene - Họa hay phúc?
Các nhà khoa học, những người không tham gia nghiên cứu nhưng ủng hộ dự án cho rằng nghiên cứu trên sẽ mở đường cho việc hiểu biết thêm về các chứng rối loạn của con người. Tuy nhiên, về mặt đạo đức của dự án còn nhiều điều phải bàn.
Giáo sư sinh học Linda MacDonald Glenn ở Đại học California Mỹ nói: “Vấn đề đạo đức ở đây chính là quan niệm, con người là trên hết, con người có thể kiểm soát mọi thứ, bởi vậy, Viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH) đã cấm dùng vượn cho nghiên cứu”. Nói ngắn hơn, những loài vật có các đặc tính tương tự con người là điều không thể chấp nhận. Nhưng cũng chính từ quan niệm “tương tự”, mỗi người hiểu một cách nên việc ứng dụng cũng không thống nhất.
Cũng phải nói thêm rằng, khoa học đã từng làm rất nhiều thí nghiệm trên động vật phi con người. Các sản phẩm như dầu gội đầu hay vắc-xin đều là những sản phẩm có được từ các thử nghiệm trên động vật. Những thao tác di truyền cũng rất đa dạng, từ việc đưa hoá chất vào cơ thể động vật lẫn thay đổi gene... Tuy nhiên, còn một câu hỏi quan trọng, đó chính là hiệu quả của những thử nghiệm này.
Trong cuộc phỏng vấn giữa Futurism với Huda Zoghbi, nữ chuyên gia di truyền ở tạp chí Technology Review của Trung Quốc, Huda Zoghbi cho rằng những con khỉ chuyển gene của INS không trở thành mô hình như thật được. Chúng không có những dấu hiệu giống như trẻ mắc bệnh tự kỷ, có chăng cũng chỉ mô phỏng yếu tố di truyền ở người mà thôi.
John Spiro - Phó Giám đốc khoa học thuộc Sáng kiến nghiên cứu bệnh tự kỷ ở Quỹ Simons New York cho rằng, nghiên cứu trên đã dấy lên cuộc tranh luận, riêng các chuyên gia trong lĩnh vực tự kỷ cho rằng đây là điều tốt lành. “Thực sự không có mô hình nghiên cứu nào là hoàn hảo, ngay cả loài gặm nhấm. Vì vậy, việc dùng khỉ chuyển gene là hướng đi mới trong việc nghiên cứu bệnh tự kỷ, tuy nhiên, mọi cái đều phải đi đúng “quy trình”, theo đúng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, nếu không mọi cái dễ bị thương mại hóa, phúc biến thành họa”.
(Theo Futurism/Gizmod)