Hà Nội

Khi chiều cao không thay đổi, hãy nghĩ đến con thiếu hormone tăng trưởng!

27-06-2019 14:17 | Đời sống
google news

SKĐS - Các gia đình nếu nghi ngờ con chậm phát triển chiều cao, một năm nay, con trẻ không cần tăng size quần áo, con luôn nằm trong nhóm những bạn thấp nhất lớp..., cha mẹ nên cho con đi khám chuyên khoa nội tiết sớm, đừng chần chừ vì sẽ bỏ lỡ giai đoạn điều trị tốt nhất để giúp trẻ cải thiện chiều cao.

Chị Loan (Q. Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ, khi con trai lên 10 tuổi, chiều cao so với các bạn cùng lứa khác thấp bé hơn rất nhiều, chị cũng đã đưa con đi khám ở nhiều chuyên khoa và cả tư vấn dinh dưỡng.

“Tuy nhiên, đến 13 tuổi, con trai tôi chỉ cao chừng 1m3, không tăng được chiều cao. Trong một lần đi khám ở BV. Nguyễn Tri Phương, BS. Trần Quang Khánh, Trưởng khoa Nội tiết, tiếp nhận và bắt đầu điều trị, nhưng con trai tôi cũng chỉ điều trị bằng hormone tăng trưởng trong 2 năm thôi, vì đến 15 tuổi, các bác sĩ cho biết các cốt xương của trẻ bị “đóng lại”, điều trị không còn hiệu quả. May mắn, bây giờ con trai tôi cao 1m6 rồi, hòa nhập vui vẻ với bạn bè cùng trang lứa”, chị Loan nói.

Khi chiều cao không thay đổi, hãy nghĩ đến con thiếu hormone tăng trưởng!Kiểm tra chiều cao mỗi 3 -6 tháng/lần để kịp thời phát hiện chiều cao bất thường ở trẻ (ẢNH MINH HỌA)

Tuổi điều trị tốt nhất: 4 - 13 tuổi

BS. CKII. Võ Đức Chiến, Giám đốc BV. Nguyễn Tri Phương, cho biết, khi điều trị thay thế bằng hormone tăng trưởng, để đạt được hiệu quả tối ưu, việc điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng là rất quan trọng. Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì. Tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4 - 13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.

BS. Đức Chiến chia sẻ, từ thực tế tư vấn cho các gia đình có trẻ nhỏ thấp còi, bác sĩ khoa Nội tiết BV. Nguyễn Tri Phương nhận thấy, nhiều bậc cha mẹ không có hoặc chưa hiểu biết đúng và đủ về chứng chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormonee tăng trưởng ở trẻ.

“Hầu hết khi con bị thấp còi, phụ huynh đều chỉ nghĩ đến nguyên nhân dinh dưỡng, thậm chí nhiều người tự ý bổ sung canxi hoặc các loại thuốc tăng chiều cao cho con mà chưa có sự tư vấn của bác sĩ, dẫn đến không có hiệu quả hoặc có thể gây hại cho trẻ. Do đó, chúng tôi mong muốn có thể cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất về bệnh lý này đến các bậc phụ huynh, hướng dẫn hướng điều trị đúng đắn và kịp thời nhất cho trẻ,” BS. Chiến nhấn mạnh.

Quá trình tăng trưởng ở trẻ em bắt đầu từ trong bụng mẹ, dinh dưỡng và nội tiết là hai yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển chiều cao. Đánh giá tăng trưởng là việc làm toàn diện, cần có quá trình. Cha mẹ nên quan tâm đến tốc độ tăng chiều cao của con mình ở mọi độ tuổi.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, BV. Nguyễn Tri Phương, chậm tăng trưởng chiều cao là vấn đề nội tiết phổ biến trong nhi khoa, ngoài yếu tố di truyền, dinh dưỡng, bệnh nội khoa, thiếu hụt hormone là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.

Chiều cao cải thiện, trẻ tự tin trong cuộc sống

Trong các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, dù tỉ lệ thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần là bệnh lý hiếm gặp. Theo các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ bệnh thiếu hormone tăng trưởng 1/4.000 - 1/10.000, không có nguyên nhân, có thể xảy ra ở trẻ em mọi độ tuổi cho đến trước khi dậy thì. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Thị Thư Hương, BS điều trị Khoa Nội tiết (BV. Nguyễn Tri Phương), đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc trẻ không đạt đủ chiều cao khi trưởng thành.

“Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Mặt khác, nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như tâm lý sau này của trẻ”, BS. Thư Hương cảnh báo.

Tuy nhiên, hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng, biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Nếu do bệnh lý khác như Turner chẳng hạn, một số trẻ sẽ có một số biểu hiện khác. Những biểu hiện này cũng thường chỉ được nhận biết bởi bác sĩ nội tiết.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương cho biết: “Chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng là một bệnh lý khó nhận biết. Tuy nhiên, may mắn là căn bệnh này có thể điều trị được. Điều trị bằng hormone tăng trưởng đúng thời điểm, đúng liều giúp cải thiện sự mất đi chiều cao ở trẻ trong nhiều bệnh lý.

Các trường hợp điều trị bằng hormone tăng trưởng tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy, các trẻ sẽ tăng được từ 6 - 12cm/năm và khoảng 80% trẻ tăng được 1cm/tháng trong năm đầu tiên. Việc được điều trị kịp thời không chỉ giúp trẻ cải thiện chiều cao mà còn giảm chi phí chăm sóc y tế và các chi phí xã hội khác”.

Khi chiều cao không thay đổi, hãy nghĩ đến con thiếu hormone tăng trưởng!Tư vấn cho cha mẹ và trẻ đến tầm soát bệnh lý hormone tăng trưởng

Ngoài ra, việc điều trị bằng hormone tăng trưởng không chỉ áp dụng cho trường hợp trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng mà còn được chỉ định trong các trường hợp gây ra do những nguyên nhân khác như: hội chứng Turner, trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai…

“Biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài vấn đề chiều cao của bé sẽ không tăng hoặc tăng rất chậm và kết quả cuối cùng dẫn đến trẻ sẽ có chiều cao thấp hơn nhiều so với độ tuổi. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng/lần hoặc tốt nhất là 3 tháng/lần và vẽ lên biểu đồ tăng trưởng của WHO. Nếu phát hiện chiều cao của bé nằm < -2SD hoặc tốc độ tăng trưởng ≤  2cm/6 tháng, có nghĩa là chiều cao của bé đang có dấu hiệu bất thường,” BS. Thư Hương khuyến nghị.

Lúc này cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi tổng quát, bác sĩ dinh dưỡng. Nếu xác nhận trẻ không có bệnh lý, không bị suy dinh dưỡng, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nội tiết để được thăm khám các bệnh lý về nội tiết, đặc biệt là bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng gây ảnh hưởng sự phát triển chiều cao của trẻ.

“Thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, thường chỉ làm ảnh hưởng đến chiều cao, gây nên những bất lợi trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp cho trẻ trong tương lai. Quy trình thông thường là trẻ sẽ được chụp X- Quang xương bàn tay trái, làm các xét nghiệm máu cần thiết, chụp MRI sọ não. Sau khi có kết quả chẩn đoán, phụ huynh sẽ được tham vấn về cách thức điều trị và theo dõi cụ thể,” BS. Thư Hương giải thích thêm.

Các chỉ định điều trị hormone tăng trưởng tại Việt Nam chủ yếu là thuốc tiêm dưới da hoặc tiêm bắp như: Thiếu hormone tăng trưởng ở TE (children GHD); hội chứng Turner (bé gái kém tăng trưởng do loạn phát triển tuyến sinh dục); chậm phát triển ở trẻ em sinh ra nhỏ so với tuổi thai; bệnh thận mạn; trẻ em lùn vô căn và chậm tăng trưởng thể tạng; người lớn thiếu hụt hormone tăng trưởng…

Theo BS. Thư Hương, hiệu quả đáp ứng điều trị trong năm đầu tiên thông thường bệnh nhi sẽ tăng từ 8 - 12 cm/năm, trung bình 1cm/tháng; đến năm thứ 2, sự tăng trưởng thường đạt 75 - 80% so với năm đầu tiên; những năm sau, hiệu quả sẽ giảm hơn so với những năm đầu.

Có thể nói, chậm tăng trưởng chiều cao không phải là bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ nhưng nó sẽ khiến trẻ mặc cảm tự ti cũng như khiến các bậc cha mẹ trăn trở, day dứt rất nhiều. Do vậy, khi có thể giúp con cải thiện chiều cao kịp thời trước khi quá muộn, các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy đó là niềm hạnh phúc lớn. Đồng thời, bản thân trẻ khi được điều trị và nhận ra sự thay đổi chiều cao của bản thân cũng trở nên vui vẻ, tự tin hơn rất nhiều.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn