Khi chèo “cạnh tranh” với gameshow

02-06-2017 08:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trước cơn bão gameshow và nhiều chương trình nghệ thuật giải trí ăn khách hiện nay thì những buổi diễn “đìu hiu” tại các sân khấu chèo lại đang khiến cho không ít nghệ sĩ trăn trở...

Trước cơn bão gameshow và nhiều chương trình nghệ thuật giải trí ăn khách hiện nay thì những buổi diễn “đìu hiu” tại các sân khấu chèo lại đang khiến cho không ít nghệ sĩ trăn trở, nung nấu, khát khao tìm một lối đi mới cho nghệ thuật chèo. Sắp tới đây, chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” với những vở chèo cổ kinh điển và những trích đoạn sân khấu nổi tiếng sẽ được diễn định kỳ các tối thứ 7 với mong muốn làm sống lại không khí của nghệ thuật chèo truyền thống

Thách thức không hề nhỏ…

Từng có một lịch sử lâu dài và gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân nhưng cũng như bao bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, chèo đang đứng trước nguy cơ và thách thức không nhỏ về sự mai một và mất dần bản sắc trong đời sống hiện đại. Các nhà nghiên cứu văn hóa từng đưa ra nhiều giải pháp để “cứu” nghệ thuật truyền thống như dự án đưa chèo vào trường học, dự án “Long Thành diễn xướng”... nhưng đến nay, môn nghệ thuật này vẫn rơi vào khủng hoảng, nhất là vấn đề nhân lực. Bên cạnh một bộ phận không nhỏ thanh niên thờ ơ với nghệ thuật chèo thì bản thân một số nghệ sĩ chèo cũng không còn giữ được niềm đam mê với nghề. Chưa bao giờ chèo rơi vào vòng luẩn quẩn như những năm gần đây khi không có khán giả mua vé đến xem, cũng có nghĩa không có tiền tái đầu tư sân khấu khiến cho tình hình đã khó còn khó khăn hơn.“Hà Nội đêm thứ 7” là chuỗi chương trình nghệ thuật mới của Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ chính thức ra mắt khán giả trong nước và quốc tế đều đặn vào tối thứ 7 hàng tuần tại rạp Đại Nam, 89 Phố Huế, Hà Nội, bắt đầu từ tối 3/6.

“Hà Nội đêm thứ 7” là chuỗi chương trình nghệ thuật mới của Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ chính thức ra mắt khán giả trong nước và quốc tế đều đặn vào tối thứ 7 hàng tuần tại rạp Đại Nam, 89 Phố Huế, Hà Nội, bắt đầu từ tối 3/6.

Gần đây, sự đổ bộ ào ạt của các loại hình giải trí hiện đại khác càng khiến đời sống của chèo trở nên éo le. Nhưng vẫn còn đó những nghệ sĩ tâm huyết đã và đang nỗ lực tìm mọi cách để chèo tồn tại và kéo khán giả về với nghệ thuật truyền thống. Để làm được điều này, một đạo diễn chèo khẳng định, chèo cũng cần phải hiện đại hóa, phải đổi mới mới hy vọng tồn tại. Điều đó hoàn toàn đúng. Vấn đề là hiện đại hóa theo hướng nào, liều lượng “hiện đại hóa” thế nào là đủ… thì người trong cuộc cần thêm thời gian để xác định.

… trong nhịp thở đương đại

Hơn ai hết, người trong cuộc hiểu rằng, chèo cần được tôn vinh không chỉ như hiện vật tĩnh mà còn cần được bảo tồn, phát triển song song với sự phát triển của xã hội. Những vở chèo vốn chứa đựng chất trí tuệ, thâm thúy, ý nhị và rất Việt Nam, chính vì vậy, khi đưa đề tài hiện đại vào chèo, người dàn dựng phải hết sức khéo léo thì mới không làm mất đi bản chất của môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu thẩm mỹ của công chúng khác xa trước đây, để chèo đề tài hiện đại hấp dẫn là một việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra sự phá cách mang tính đột phá trong nghệ thuật mới có thể dựng những tác phẩm chèo hấp dẫn công chúng.

Trước khi “Hà Nội đêm thứ 7” chính thức diễn ra thì công chúng chưa thể khẳng định chèo có thể cạnh tranh với gameshow hay không. Nhưng NSND Thúy Mùi lại tỏ ra tự tin với dự án này với lời khẳng định: “Hà Nội đêm thứ 7” sẽ liên tục đỏ đèn”. Theo đó, chị và êkíp thực hiện đã tính đến phương án làm sao để ấn hành giá vé ở mức thấp nhất có thể, phù hợp với túi tiền của người yêu chèo, để ai cũng có thể vào rạp xem. Một fanpage của Chèo Hà Nội cũng đã được lập ra để khán giả tiện theo dõi hoạt động cũng như mua vé online. Riêng buổi trình diễn đầu tiên vào ngày 3/6, NSND Thúy Mùi hồ hởi chia sẻ: “Gần như đã bán hết vé!”.

“Hà Nội đêm thứ 7” sẽ diễn ra liên tục không nghỉ. Hiện tại, kịch mục của 3 tháng (6-7-8) đã được hoàn tất và các nghệ sĩ đang nhiệt tình tập luyện để có những tiết mục hấp dẫn nhất phục vụ khán giả. Trong 3 tháng đầu tiên của “Hà Nội đêm thứ 7” sẽ có những vở diễn làm nên tên tuổi của chèo Hà Nội trong mấy chục năm qua như Nàng Sita, Quan Âm Thị Kính, Ngọc Hân công chúa, Chuyện tình người mất tích… các tiết mục hài, trích đoạn chèo cổ, hầu văn... cùng sự góp mặt của hơn 150 diễn viên của Nhà hát, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng trong làng Chèo Việt Nam như: NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Minh Nhan, NSƯT Ngọc Ánh, NSƯT Đức Thuận… Ngoài việc diễn những vở dài, Nhà hát lên kế hoạch cho CLB thực hiện ít nhất mỗi tháng một buổi diễn những trích đoạn chèo nổi tiếng và khán giả sẽ được giao lưu, hát cùng với các nghệ sĩ những trích đoạn chèo mà mình yêu thích.

“Hà Nội đêm thứ 7” hy vọng sẽ trở thành một điểm đến thú vị của những người yêu chèo. Đây cũng là cách để Nhà hát Chèo Hà Nội vừa làm công tác phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, vừa làm công tác bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của chèo trong xã hội hiện đại ngày nay.


Nam Phương
Ý kiến của bạn