Huỳnh Khánh
Những ngày gần đây tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục xảy ra các vụ ngộ độc rượu dẫn đến nhiều cái chết của các trai tráng tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ… Mối hiểm họa vẫn đang chầu chực khi mà loại rượu pha bằng nước lã với cồn công nghiệp vẫn đang được tiêu thụ mạnh tại nhiều vùng nông thôn.
Bệnh nhân cấp cứu ngộ độc rượu vừa tốn kém cho xã hội vừa nguy hại đến sức khỏe bản thân. Ảnh: PV |
Hiểm họa từ những quán rượu quê…
Nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL như Hậu Giang, Cần Thơ và cả Sóc Trăng những ngày qua liên tục ghi nhận các trường hợp ngộ độc rượu phải cấp cứu tại bệnh viện. Đặc biệt, tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cơ quan chức năng thống kê có tới 7 người tử vong do rượu. Đây là con số đáng báo động khi mà tình trạng quán nhậu mở ra quá nhiều trong khi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các loại rượu không được kiểm soát chặt chẽ.
Theo những người bị ngộ độc rượu ở Long Phú (Sóc Trăng) kể lại, loại rượu họ uống có giá khá rẻ, chỉ trên dưới 10.000 đồng/lít. Các chủ quán nhậu cho biết loại rượu này của một người khác đến bỏ mối, giá bỏ mối chỉ 6.000 – 7.000 đồng/lít. Nhưng hỏi địa chỉ người bỏ mối thì các chủ quán đều lắc đầu không biết. Khi xảy ra các vụ ngộ độc rượu, người dân ở Long Phú đồn nhau rằng có loại thuốc của Trung Quốc, chỉ cần bỏ một viên vào nước lã là có ngay... rượu (!?). Ngoài ra, loại rượu được pha từ cồn công nghiệp cũng bán khá chạy vì giá rẻ. Một người nấu rượu ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nay đã giải nghệ cho biết: Nhiều chủ nấu rượu vì ham lời đã mua cồn công nghiệp về pha với nước lã thành rượu trắng. Còn cồn khô pha với nước lã và cốt rượu thuốc thì thành rượu thuốc.
Nỗi ân hận muộn màng nơi bệnh viện
Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Long Phú (Sóc Trăng), nơi có 3 bệnh nhân đang điều trị ngộ độc rượu. Anh Quách Kim H. ở thị trấn Long Phú, kể: Anh và 5 người bạn vào quán nhậu kêu món chân gà nướng làm mồi và 2,5 lít rượu mà chủ quán nói rượu thuốc có màu vàng. Nhậu xong, về đến nhà, anh H. thấy buồn nôn, choáng váng. Sau 3 ngày nằm bẹp ở nhà, sức khỏe suy kiệt, ngày 6/5, người nhà đưa anh vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Long Phú. Cùng ngày đó, 3 người bạn của anh cũng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng với tình trạng bệnh nặng hơn: ngừng tim, ngừng thở. Đến ngày 7/5, một trong những người bạn của anh H. đã tử vong.
Cùng uống rượu tại quán của anh H. và các người bạn đã mua rượu uống và cùng phải vào viện điều trị còn có anh Trương Ngọc B., anh B, kể: Em và 6 người bạn uống hết khoảng 4,5 lít rượu thuốc có màu đo đỏ. Uống hết khi về đến nhà thấy đau đầu, chóng mặt. Sáng hôm sau thì nôn liên tục. Em phải nằm bẹp ở nhà, không ăn được cơm. Giờ thì em sợ rượu của mấy bà bán quán quá rồi.
“Mổ xẻ” các vụ ngộ độc rượu
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi xảy ra hàng loạt các vụ ngộ độc rượu như kể trên, ngành y tế của các tỉnh có các nạn nhân ngộ độc rượu đã sớm vào cuộc để tìm căn nguyên.
Thống kê ban đầu cho thấy, cả nước sản xuất 208 triệu lít rượu/năm. Chỉ có 94/20.663 cơ sở có công bố tiêu chuẩn chất lượng rượu. Còn lại 18.575 cơ sở, tương đương với gần 90% cơ sở không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Các tỉnh miền Bắc sản xuất khá nhiều loại rượu từ ngô, sắn, gạo, rượu ngâm các loại rễ, củ, cây, động vật, rượu vang, vodka, sâm-banh và các loại rượu pha chế, còn các tỉnh khu vực ĐBSCL chủ yếu sản xuất rượu gạo nấu và rượu ngâm thuốc. Theo một nghiên cứu do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm công bố, có tới 90% rượu tự nấu có hàm lượng độc tố và tạp chất cao, trong đó có nhiều loại rượu tự nấu có hàm lượng acid acetic, aldehyd, methanol... cao hơn hàng trăm lần so với rượu của các cơ sở có công bố tiêu chuẩn chất lượng. Thanh Loan |
Ngày 9/5, Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, BS. Phạm Thanh Khôi đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xoay quanh các vụ ngộ độc rượu. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có 7 trường hợp tử vong do ngộ độc rượu và một trường hợp do quá nặng hiện đang cấp cứu tại TP. Hồ Chí Minh.
Thông tin ban đầu của các thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết, các nạn nhân đều dùng rượu màu trắng đục, hoặc màu đo đỏ, số lượng dùng thường từ 700 ml đến 1.000 ml/người. Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hậu Giang đã tiến hành lấy mẫu lần 2 đối với 245 lít rượu mà Trung tâm YTDP và Công an huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thu giữ. Điều khó khăn cho cơ quan y tế và công an khi kiểm tra các quán nhậu mà các nạn nhân đã từng uống là hầu hết chủ quán đều không biết và không nắm rõ địa chỉ cụ thể của người đưa mối rượu cho mình. Thực tế này càng minh chứng một điều, không chỉ các tỉnh ở ĐBSCL tình trạng rượu giả, rượu không đạt chất lượng ATVSTP vẫn bày bán công khai và vẫn có người tiếp tục đưa chất độc vào người không phải là chuyện của một vài tỉnh mà còn mang tính toàn quốc.
Tại các vùng nông thôn, cả trong Nam ngoài Bắc, rượu đế hay rượu nút lá chuối vẫn được tiêu thụ nhiều bởi giá quá rẻ. 5.000 đồng đã đủ để một “con ma men” bớt cơn thèm rượu. Vì chính giá quá rẻ nên các đệ tử lưu linh bất chấp cả sinh mạng mình để uống và dzô. Và thảm họa thực sự cho cả gia đình và xã hội là những cơn say triền miên, gây ra các vụ tai nạn giao thông hoặc nặng nề hơn là các vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra ở các tỉnh ĐBSCL kể trên.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao rượu nút lá chuối hay rượu đế bán ở các quán cóc hay rượu ở các vùng nông thôn có giá rẻ như vậy? Theo tìm hiểu của chúng tôi, rượu giá rẻ có đất để tồn tại được là do đánh trúng tâm lý của các bợm nhậu là càng rẻ càng tốt miễn sao có chất “cay cay”. Để rượu có thể rẻ trong thời “bão giá” như hiện nay, các tay nấu rượu cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều không từ mọi thủ đoạn để bớt gạo nhưng vẫn có... rượu. Đó là tình trạng gạo thì ít nhưng cồn công nghiệp thì nhiều. Loại men làm rượu là loại men mua theo cân của Trung Quốc, rất khó kiểm soát. Để tiêu thụ những loại rượu này thì càng đưa về các vùng sâu, vùng xa càng tốt. Hoặc ở thành thị, thị tứ, thị trấn thì bỏ mối ở các quán cóc ven đường. Đưa bao nhiêu thanh toán luôn từng đó tiền, không cho chịu. Và khi không may các đệ tử lưu linh có vào cấp cứu trong bệnh viện thì những tay bỏ mối rượu đã bặt vô âm tín.