Khi cái sai đông đảo và “thống nhất” tại địa phương

31-03-2012 2:28 PM | Xã hội

Vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã qua thời hạn hoàn tất việc xử lý và báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/3.

Vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã qua thời hạn hoàn tất việc xử lý và báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/3. Chiều 29/3, Thành ủy Hải Phòng đã công bố kết quả kiểm điểm, xử lý các cá nhân và tập thể có liên quan đến “vụ Tiên Lãng” với 25 tổ chức, 50 cá nhân là cán bộ, đảng viên, nhân viên bị kiểm điểm và xử lý kỷ luật, trong đó có Chủ tịch và Phó chủ tịch huyện bị cách chức.

Dư luận đồng tình với những xử lý đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm song lại băn khoăn một điều sao đối tượng bị xử lý nhiều đến vậy? Riêng cơ quan, tổ chức bị kiểm điểm đã có Ban Cán sự đảng UBND, Ban Cán sự đảng TAND, Ban Cán sự đảng VKSND, Đảng ủy Văn phòng UBND thành phố, Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường, Đảng ủy Thanh tra, Đảng ủy Công an, Đảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự, Đảng ủy Sở Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy Ban Tuyên giáo Thành ủy. Đến tập thể Ban cán sự Đảng UBND thành phố và hai cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng bị khiển trách...

Vấn đề là trước khi cái sai xảy ra, những cơ quan, tổ chức, cá nhân ngay tại địa phương đã thấy đúng mới ra quyết định và chấp thuận quyết định trong khi báo chí, các vị lão thành, các chuyên gia ở các nơi khác thấy sự việc xảy ra đã có thái độ phản ứng ngay, nhìn ra cái sai ngay. Duy nhất có trường hợp Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng đã phản đối quyết định thu hồi, cưỡng chế ngay từ khi chưa thực hiện nhưng rồi đến thời điểm thực hiện lại ở vị trí... phụ trách việc thu hồi cưỡng chế để rồi bị cách chức và chính gia đình “nạn nhân” phải làm đơn xin xét lại mức kỷ luật này. Liệu các tổ chức, cá nhân bị kiểm điểm và bị xử lý kỷ luật trên lúc đầu có tin vào việc mình làm là đúng từ trong nhận thức, hiểu biết và có bao nhiêu phần trăm như trường hợp vị Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng trên? Và lý do gì khiến nhiều tổ chức cá nhân cùng “thống nhất” với cái sai đến như vậy? Liệu cái sai đông đảo và thống nhất ấy có phụ thuộc vào lãnh đạo địa phương khi ý cấp trên đưa ra, tất cả vì lý do nào đấy phải nhất nhất tuân theo, không có ý kiến phản biện, không có những đề xuất trái chiều?

Nhớ lại chuyện ở Ninh Bình ngày nào có đồng chí  cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu vì tố cáo Bí thư Tỉnh ủy mà bị các cơ quan bắt giam, xử tù và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong tỉnh không hề phát hiện ra cái sai. Chỉ đến khi ông Đinh Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy bị Ủy ban Kiểm tra TW có kết luận về những vi phạm và báo chí phản ánh, lên án, lúc đó ông Phiếu mới được minh oan.

Chuyện ở Ninh Bình và ở Hải Phòng tuy khác nhau về sự việc nhưng gợi đến sự liên tưởng giống nhau về vấn đề dân chủ và bản lĩnh cán bộ ở địa phương. Nếu địa phương có dân chủ và cán bộ có bản lĩnh hẳn những cái sai có thể được ngăn chặn, người dân không bị thiệt hại và niềm tin không bị lung lay, Thủ tướng và các cơ quan Trung ương vốn trăm công ngàn việc không phải lúc nào cũng trực tiếp giải quyết vấn đề cụ thể của địa phương.  

Lê Quý Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH