Hơn 50% dân số thế giới phải ở nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan khủng khiếp của dịch bệnh, còn các nhà khoa học trên toàn trái đất chạy đua tìm ra loại vắc-xin có thể chống lại virus “bóng ma” SARS-CoV-2.
Cuộc đua toàn cầu
Một cuộc đua toàn cầu về phát triển vắc-xin chống virus gây dịch COVID-19 đang diễn ra, trong đó nhiều viện nghiên cứu và hãng dược phẩm ganh đua nhau để trở thành người đầu tiên có thể tìm ra loại vắc-xin mà cả loài người đang khao khát. Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 44 ứng cử viên tiềm năng trong cuộc chạy đua tìm vắc-xin chống COVID-19, nhưng tất cả vẫn đều chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Vắc-xin COVID-19 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Thông tin mới nhất về việc phát triển vắc-xin chống COVID-19 đến từ nhóm nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh (Mỹ). Ngày 3/4 vừa qua, họ khẳng định thử nghiệm thành công vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 trên chuột, đồng thời tin tưởng loại vắc-xin có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng. Trong khi đó, ngày 4/4, Nga cũng tuyên bố đang tiến hành thử nghiệm vắc-xin chống virus SAR-Cov-2 trên chuột, chồn và linh trưởng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4 và vắc-xin này sẽ được thử nghiệm trên người bắt đầu vào tháng 6 tới.
Tương tự, nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Galilee (MIGAL) tại Israel tuyên bố nghiên cứu thành công vắc-xin ngừa Covid-19 mới và cho hay có thể ra mắt thành phẩm vắc-xin trong 90 ngày tới. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Israel Ofer Akunis khẳng định về tiềm năng của dòng vắc-xin mới và tạo mọi điều kiện để thành phẩm của dòng vắc-xin này ra mắt sớm nhất có thể.
Trước đó, Công ty dược CureVac của Đức cho hay có thể sản xuất hàng loạt vắc-xin liều thấp để chống COVID-19 và Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gây xôn xao với tuyên bố đòi mua lại toàn bộ loại vắc-xin này cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, đông đảo các chuyên gia y tế cho rằng nếu lạc quan nhất, cũng phải mất từ 12 - 18 tháng mới có thể tìm ra được loại vắc-xin chống COVID-19 hiệu quả.
Giải pháp tình thế: Giãn cách xã hội
Giãn cách xã hội đang được coi là chiến lược quan trọng để kiềm chế đại dịch COVID-19, khi chưa có vắc-xin hiệu quả phòng chống. “Trong khi chúng ta chưa biết được có loại vắc-xin hay loại thuốc hiệu quả và an toàn nào có tác dụng loại trừ được sự lây lan COVID-19, điều tốt nhất mà chúng ta nên làm là phòng tránh virus. Giãn cách xã hội là cách tạo ra khoảng cách vật lý làm hàng rào giữa hai hoặc nhiều người, từ đó giúp tránh hoặc tạm dừng quá trình lây lan virus” - ông Arindam Basu, Phó giáo sư về dịch tễ học và sức khỏe môi trường tại Đại học Canterbury, New Zealand phát biểu.
Do vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội khác nhau. Các biện pháp này bao gồm từ việc ngăn cản đám đông tụ tập, đóng cửa không gian công cộng như các trung tâm giải trí, quán rượu và sàn nhảy, đến việc đóng cửa trường học. Một số nơi còn áp dụng tình trạng giới nghiêm hoàn toàn, buộc mọi người phải ở nhà.
Nhiều bằng chứng cho thấy rõ rằng giãn cách xã hội làm giảm rõ rệt tốc độ lây lan và ngăn chặn hiệu ứng domino do virus dịch bệnh gây ra. Nghiên cứu tìm hiểu về tình trạng lây nhiễm tại Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy sau khi áp dụng biện pháp phong tỏa xã hội trên quy mô lớn, tỷ lệ lây lan bệnh trong thành phố này giảm từ 2.35 xuống còn gần 1. Từ đó, kết luận rằng biện pháp phong tỏa được áp dụng ở trung tâm dịch bệnh càng sớm bao nhiêu, dịch bệnh càng thu hẹp bấy nhiêu.
Một trong những mục đích chính của giãn cách xã hội là làm chậm lại quá trình lây lan của virus, khiến số ca nhiễm bệnh trong cùng một thời điểm ở mức cao nhất sẽ chậm xuất hiện.
Một bảng biểu cho thấy số người nhiễm sẽ lên tới đỉnh nhanh hơn rất nhiều nếu không có giãn cách xã hội.Với giãn cách xã hội, đường cong tăng trên biểu đồ thấp hơn nhiều, điều đó có nghĩa là vào bất cứ thời điểm nào thì số người nhiễm và từ đó dẫn đến số người cần chăm sóc cấp cứu và cần sử dụng tài nguyên sẽ thấp hơn.