Khi “bờ xôi ruộng mật” không còn hấp dẫn

25-08-2013 1:00 AM | Thời sự

Các cụ ta có câu: “Tấc đất, tấc vàng”, ấy vậy mà hiện nay ở không ít nơi, người nông dân bỏ đi tấc vàng.

Các cụ ta có câu: “Tấc đất, tấc vàng”, ấy vậy mà hiện nay ở không ít nơi, người nông dân bỏ đi tấc vàng. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT vừa đưa ra một con số khiến nhiều người giật mình. Hiện trung bình mỗi tỉnh, người dân đang bỏ ruộng với diện tích từ 100ha trở lên. Hiện tượng bỏ ruộng ban đầu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng thì nay có cả ở miền Trung và nhiều tỉnh miền Nam. Tại sao người nông dân từ bỏ ruộng đồng - nơi đã gắn chặt với phần lớn thời gian trong cuộc đời họ là một câu hỏi? Đó có phải là một sự từ bỏ tích cực, từ bỏ vì có kế sinh nhai khác thực sự tốt hơn, hay chỉ đơn giản vì đồng ruộng khiến đời sống của họ quá vất vả.

Chỉ điểm qua các tỉnh Hải Dương ở ngoài này và Phú Yên phía trong, không ít gia đình đã từ bỏ đồng ruộng vì đồng ruộng không làm cho họ thoát nghèo. Đã có những người nông dân nói rằng không những là có ruộng không giàu được mà còn bị nghèo đi vì còn phải các khoản đóng góp nữa, trong khi hiệu quả sản xuất lúa không cao, không mang lại lợi nhuận cho người dân. Không chỉ ở Hải Dương hay ở Phú Yên mới xảy ra hiện tượng người nông dân để đất đai hoang hóa mà hiện tượng người nông dân trả ruộng hoặc bỏ ruộng đã lan nhanh ra không ít tỉnh.

Đã đến lúc cần phải có những nhìn nhận và đánh giá đúng mực, bởi sự nguy hại của nó đối với một nền nông nghiệp lúa nước, của một đất nước xuất khẩu gạo vào hàng đầu thế giới như nước ta, khi mà người nông dân một nắng hai sương làm nên giá trị tuyệt vời đó đã và đang “quay lưng” lại với chính những “bờ xôi ruộng mật” của mình - thứ tư liệu sản xuất tiên quyết mà trước đây ông cha và cả chính họ ngày nay phải mất cả máu xương bao thế hệ mới giành được. Và như vậy, ở đây phải có vấn đề trong chính sách phát triển nông nghiệp. Thực trạng người nông dân ở nhiều nơi bỏ quê ra thành thị tìm việc đã làm mất cân bằng trong sản xuất nông nghiệp, không những thế còn gây nguy cơ mất an ninh lương thực, nguy cơ nảy sinh những hiện tượng phức tạp ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị, đấy là chưa kể ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, trong 5 năm trở lại đây, giá giống đã tăng 2,5 lần, giá phân bón vô cơ tăng gấp 2 lần, nhân công thuê ngoài cũng tăng hơn 2 lần, trong khi đó giá thóc chỉ tăng 1,2 lần, từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/kg... Và vì thế, dù có yêu đồng ruộng đến đâu, người nông dân vẫn muốn thay đổi... Theo nhiều chuyên gia, điều này đã phản ánh phần nào tình trạng sản xuất nông nghiệp bấp bênh, kém hiệu quả của người nông dân hiện nay. Còn theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, có 6 nguyên nhân dẫn đến nông dân trả ruộng, bỏ ruộng đất, đó là: do thiếu lao động, chuyển nghề đi làm việc khác; giá vật tư cao, chi phí sản xuất cao; giá bán nông sản thấp hoặc không bán được nông sản, thu nhập thấp; điều kiện sản xuất nông nghiệp quá khó khăn (thiếu nước, đất xấu, hộ gia đình khó khăn, thiếu vốn sản xuất); do công nghiệp hóa, đô thị hóa (ô nhiễm môi trường, tưới tiêu) và chính sách về đất đai. Sự việc người nông dân bỏ ruộng, trả ruộng đang rất cần được các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, nghiên cứu để đưa ra các chính sách và giải pháp khắc phục kịp thời.          

  Phạm Hùng


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH