Lý do gây rối loạn khó nuốt
Khó nuốt do nhiều nguyên nhân, trong đó hay gặp các nguyên nhân sau:
- Do mắc bệnh Parkinson: Một bệnh rối loạn thần kinh thoái hóa, theo thời gian có thể làm suy yếu nhiều hành động bình thường của bệnh nhân, trong đó có hoạt động nuốt.
- Do xơ cứng bì: Một dạng không thể chữa khỏi của thoái hóa thần kinh tiến triển. Theo thời gian các dây thần kinh ở cột sống và não sẽ mất dần chức năng.
- Do đột quỵ: Có tế bào não chết do thiếu oxy vì lưu lượng máu lên não giảm. Nếu như tế bào não chết này kiểm soát việc nuốt, chứng khó nuốt hoặc rối loạn nuốt khác sẽ xảy ra.
- Do bệnh đa xơ cứng: Hệ thống thần kinh trung ương bị hệ thống miễn dịch tấn công, phá hủy các myelin.
- Do co thắt thực quản: Thực quản hẹp thường có liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Do ung thư thực quản: Ung thư xảy ra ở thực quản hoặc trào ngược dạ dày thực quản...
Tuy vậy, rối loạn khó nuốt hay gặp ở người cao tuổi, nguyên nhân là do sự lão hóa khiến các cơ quan tham gia vào quá trình nuốt thực phẩm bị suy giảm chức năng, ví dụ như mất răng hoặc răng giả kém phù hợp, khiến việc nhai gặp khó khăn. Thực phẩm không bị nghiền hoàn toàn để tạo thành viên thức ăn chặt và đồng nhất, làm giảm hiệu quả nuốt hay khả năng tiết nước bọt giảm, khiến khó bôi trơn thực phẩm và khó tạo thành viên thức ăn.
Hệ lụy khi mắc rối loạn khó nuốt
Đa số người bệnh rối loạn khó nuốt sẽ có biểu hiện tiết nhiều nước bọt hoặc chảy nước dãi; Khó nhai; Cảm thấy thức ăn dính trong cổ họng và nghẹn thức ăn hoặc đồ uống; Ho trong hoặc sau khi nuốt thức ăn; Hít sặc (đưa thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi).
Nếu liên tục bị ho dai dẳng hoặc bị nghẹn khi ăn sẽ khiến bạn lo lắng, thậm chí hoảng sợ, điều này có thể khiến ăn ít hơn. Nỗi lo này còn khiến một số người mắc chứng khó nuốt có thể bị sụt cân, mất nước và suy dinh dưỡng khi tình trạng này kéo dài hoặc trầm trọng hơn.
Chứng khó nuốt có thể khiến thức ăn hoặc chất lỏng bị mắc kẹt trong phổi, bạn có thể bị viêm phổi do hít sặc, một loại viêm phổi do vi khuẩn trong thức ăn gây ra. Hậu quả nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Cách xử trí khi bị rối loạn khó nuốt
Khi có biểu hiện rối loạn khó nuốt thì nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Người bệnh rối loạn khó nuốt có thể cần thay đổi chế độ ăn uống để duy trì dinh dưỡng tốt. Điều này có thể bao gồm làm mềm thức ăn cứng với nước hoặc chọn thức ăn có độ đặc mềm hơn, loãng hơn. Tốt nhất nên làm việc với chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của mình.
Nếu rối loạn khó nuốt nặng thì cần xay nhuyễn thực phẩm đặc, mịn và có độ ẩm giống như bánh pudding, không có bã hoặc các mảnh thức ăn nhỏ. Chúng bám vào nhau thì sẽ dễ nuốt và cần ít thao tác trong miệng. Thức ăn dính, thức ăn đòi hỏi phải tạo thành khối hoặc thao tác miệng có kiểm soát (ví dụ như phô mai tan chảy và bơ đậu phộng) sẽ được bỏ qua. Chế độ ăn kiêng không cung cấp kết cấu thô (ví dụ thực phẩm dạng sợi) để ngăn ngừa kích ứng. Lượng thức ăn và chất lỏng nên được theo dõi.
Tình trạng khó nuốt đỡ hơn thì có thể sử dụng thức ăn ẩm, mềm, dễ nhai và dễ dàng tạo thành một khối kết dính. Chế độ ăn cung cấp sự chuyển đổi từ thực phẩm xay nhuyễn sang thực phẩm dễ nhai. Bao gồm các loại thịt xay đã được làm ẩm (miếng không được vượt quá hình khối 0.5cm), rau được nấu chín đến độ mềm có thể nghiền được, trái cây nấu chín mềm hoặc đóng hộp và chuối. Cho ăn thường xuyên hơn có thể có lợi. Lượng thức ăn và chất lỏng nên được theo dõi.
Chứng khó nuốt thuyên giảm cần có thức ăn ẩm, mềm, dạng miếng vừa ăn và có kết cấu gần như đều đặn. Loại trừ các loại thực phẩm cứng, dính và giòn.
Tại nhà khi ăn nên cắn nhỏ hơn và nhai lâu hơn. Điều chỉnh vị trí của đầu và cổ có thể giúp giảm bớt khó khăn khi nuốt. Quá trình này có thể bao gồm việc gập cổ, nghiêng đầu hoặc ngồi thẳng lưng để đảm bảo thức ăn đi xuống đúng cách tốt hơn.
Nếu không thể ăn có thể cần phải cung cấp dinh dưỡng qua đường ruột, trong đó một ống dẫn thức ăn được đưa vào để đưa thức ăn và chất lỏng trực tiếp đến dạ dày.
Tóm lại: Khó nuốt là triệu chứng của nhiều bệnh, cho nên khi có dấu hiệu khó nuốt, nhất là ở bệnh nhân lớn tuổi thì nên đi khám để tìm nguyên nhân và làm các xét nghiệm để chẩn đoán như nội soi hầu họng - thực quản, chụp X quang thực quản, X quang cột sống cổ, khám tuyến giáp, siêu âm tim, đo điện tâm đồ, có thể chụp CT lồng ngực để phát hiện u phổi, u trung thất. Nuốt khó nếu không tìm nguyên nhân sớm thì bệnh nhân dễ bị rối loạn nước điện giải, suy dinh dưỡng, điều trị không kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.