Hà Nội

Khi bệnh nhân rối loạn tâm thần mắc COVID-19

22-09-2021 17:04 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS- Các bệnh nhân rối loạn tâm thần, bị mắc COVID-19 vẫn cần phải được điều trị các rối loạn tâm thần vốn có. Tuy nhiên, phác đồ điều trị cần thật đơn giản và hiệu quả.

Liệu pháp tâm lí điều trị các rối loạn tâm thần do COVID-19Liệu pháp tâm lí điều trị các rối loạn tâm thần do COVID-19

SKĐS - Đại dịch COVID-19 xảy ra trên diện rộng gây ra bao vấn đề phức tạp cho cuộc sống. Một trong những vấn đề đó là các rối loạn tâm thần có liên quan tới COVID-19.

Để bệnh nhân rối loạn tâm thần có cơ hội được điều trị bệnh do COVID-19 gây ra, nên ưu tiên sử dụng thuốc và tạm ngừng các liệu pháp tâm lý nhận thức, hành vi, liệu pháp tâm lý nhóm...

Khi bệnh nhân rối loạn tâm thần mắc COVID-19... - Ảnh 2.

Khi mắc COVID-19, người bệnh rối loạn tâm tâm vẫn cần tiếp tục điều trị bệnh tâm thần cùng với điều trị COVID-19

1. Với người bệnh tâm thần phân liệt mắc COVID-19

- Bệnh tâm thần phân liệt được đặc trưng bởi các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng và ảo giác. Bệnh nhân có thể có hoang tưởng bị theo dõi, bị chi phối, bị hại. Bên cạnh đó, bệnh nhân có các ảo thanh (là tiếng người không có thật khen, chê, xui hoặc ra lệnh cho bệnh nhân).

- Khi bị mắc COVID-19, các triệu chứng loạn thần tuy không nặng thêm, nhưng bệnh nhân có thể có các biểu hiện lo âu (như sợ mình bị COVID-19, sợ bị bỏ rơi, sợ không ai hỗ trợ) và trầm cảm (chán nản, bi quan, mất ngủ, chán ăn, sợ chết). Mặt khác, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc điều trị COVID-19, nên bệnh cảnh lâm sàng sẽ phức tạp hơn.

- Bệnh nhân tâm thần phân liệt bị mắc COVID-19 nên được điều trị bằng các thuốc an thần mới, đơn trị liệu, vì các lý do sau đây:

+Ít tác dụng phụ, không có hiện tượng tương tác thuốc với các loại thuốc khác.

+ Có tác dụng trên cả triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) và các triệu chứng cảm xúc (lo âu, trầm cảm).

+ Không cần điều chỉnh liều thuốc trong suốt quá trình điều trị.

- Các thuốc an thần khuyên dùng:

+ Olanzapine 10mg x 1 viên/tối.

+ Risperidone 2mg x 2 viên/ngày (sáng 1 viên, tối 1 viên).

+ Quetiapine 300mg x 2 viên/ngày (sáng 1 viên, tối 1 viên).

- Các bệnh nhân tâm thần phân liệt giai đoạn ổn định vẫn có thể tiêm vaccine phòng COVID-19 bình thường. Các bệnh nhân đang phải điều trị bệnh do COVID-19 gây ra thì vẫn phải uống thuốc an thần để chữa tâm thần phân liệt.

2. Đối với người bệnh trầm cảm mắc COVID-19

Khi bệnh nhân rối loạn tâm thần mắc COVID-19... - Ảnh 3.

Triệu chứng sẽ nặng hơn khi người bệnh rối loạn tâm thần mắc COVID-19

- Các bệnh nhân trầm cảm được đặc trưng bởi các triệu chứng khí sắc giảm, mất hết các hứng thú và sở thích, mất ngủ, bi quan, chán nản, mệt mỏi, mất năng lượng, chán ăn, sút cân... và muốn chết.

- Khi họ bị mắc COVID-19, các triệu chứng của trầm cảm sẽ nặng thêm (nếu chưa ổn định) hoặc tái phát (nếu đã ổn định). Ngoài ra, bệnh nhân còn luôn lo lắng vì sợ bị nhiễm bệnh, sợ bị cô lập, sợ bị bỏ rơi, sợ không ai giúp đỡ. Như vậy, bệnh cảnh lâm sàng sẽ phức tạp hơn nhiều.

- Các bệnh nhân trầm cảm bị mắc COVID-19 nên được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm SSRI, kết hợp với thuốc an thần liều thấp, vì các lý do sau đây:

+ Hiệu quả điều trị cao, an toàn và không tương tác với các thuốc khác.

+ Chỉ cần dùng thuốc mỗi ngày 1 lần (vào buổi tối).

+ Không cần điều chỉnh liều, có thể áp dụng cho nhiều đối tượng bệnh nhân.

- Phác đồ cụ thể như sau:

1. Sertraline 100mg x 1 viên/tối.

2. Olanzapine 5mg x 1 viên/tối.

Có thể thay thế sertraline bằng paroxetine liều 20mg/ngày, hoặc escitalopam 20mg/ngày.

- Các bệnh nhân trầm cảm giai đoạn ổn định vẫn có thể tiêm vaccine phòng COVID-19 bình thường. Các bệnh nhân đang phải điều trị bệnh do COVID-19 gây ra thì vẫn phải uống thuốc chống trầm cảm và thuốc bình thần.

3. Đối với các rối loạn lo âu (lo âu lan tỏa và cơn hoảng sợ kịch phát..)

- Bệnh nhân lo âu lan tỏa được đặc trưng bởi tình trạng lo lắng quá mức không thể kiểm soát kéo dài suốt ngày, trong nhiều tuần. Bệnh nhân khó tập trung chú ý, khó vào giấc ngủ, nhanh mệt khi phải tập trung vào một việc gì đó và luôn than phiền đầu óc trống rỗng. Ngoài ra, họ còn có các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như đánh trống ngực, vã mồ hôi, đầy bụng, đái rắt, các cơn nóng bừng hoặc lạnh buốt.

- Bệnh nhân có cơn hoảng sợ kịch phát sẽ có các cơn hoảng sợ với cường độ vô cùng mạnh mẽ. Cơn xuất hiện đột ngột, kéo dài chỉ 5-10 phút rồi tự hết. Trong cơn sợ, bệnh nhân cảm thấy sắp chết đến nơi, sắp phát điên, mất kiểm soát. Ngoài ra, bệnh nhân không thở nổi do thiếu không khí (họ thở nhanh, nông) và đánh trống ngực dữ dội. Sau cơn bệnh nhân vã mồ hôi đầm đìa và mệt rã rời. Họ luôn lo sợ cơn hoảng sợ quay lại.

- Khi mắc COVID-19, các bệnh nhân có rối loạn lo âu sẽ nặng thêm hoặc tái phát bệnh. Ngoài ra, họ còn có các triệu chứng trầm cảm như mất ngủ, buồn rầu, bi quan, chán nản, muốn chết...

- Các bệnh nhân rối loạn lo âu khi bị mắc COVID-19 nên dùng thuốc chống trầm cảm SSRI kết hợp với benzodiazepine để điều trị cho các bệnh nhân này với lý do sau:

+ Hiệu quả cắt lo âu cao, xuất hiện nhanh.

+ An toàn, không tương tác với các thuốc khác.

+ Chỉ cần dùng thuốc 1 lần/ngày vào buổi tối.

+ Không cần điều chỉnh liều, có thể áp dụng cho nhiều đối tượng bệnh nhân.

- Phác đồ cụ thể như sau:

1. Paroxetine 20mg x 1 viên/tối.

2. Bromazepam 6mg x 1/2 viên/tối.

Có thể thay paroxetine bằng sertraline 100mg hoặc escitalopram 20mg. Tương tự, có thể thay bromazepam bằng clonazepam 1mg/ngày.

- Ở bệnh nhân rối loạn lo âu: các bệnh nhân rối loạn lo âu đã ổn định vẫn tiêm được vaccine phòng COVID-19.

Xem thêm video được quan tâm:

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội



PGS.TS. Bùi Quang Huy
Chủ nhiệm Khoa Tâm thần-Bệnh viện quân y 103
Ý kiến của bạn