Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lao mà điều trị không hiệu quả, dù đang uống thuốc lao mà vẫn mệt, vẫn ho nhiều, vẫn sốt, hoặc vừa ngừng thuốc chừng một vài tháng lại thấy xuất hiện bệnh lao trở lại…, hãy nghĩ đến lao kháng thuốc.
Mắc bệnh lao đã nguy hiểm, thì mắc lao kháng thuốc mức độ nguy hiểm còn tăng gấp nhiều lần. Bệnh nguy hiểm ở chỗ vi khuẩn không chỉ kháng một mà nhiều loại thuốc chống lao, khiến nguy cơ tử vong cao. Chi phí thuốc men đắt đỏ, thời gian chữa trị kéo dài, các chương trình hỗ trợ miễn phí của Nhà nước khó có thể lo cho bệnh nhân lao kháng thuốc… càng khiến cho cuộc sống của bệnh nhân mắc lao kháng thuốc càng khó khăn gấp bội. Theo thống kê, cứ 100 người mắc bệnh lao thì có khoảng 30 người bị lao kháng thuốc. Tỷ lệ kháng đa thuốc là khoảng 3%; chi phí điều trị cho trường hợp này cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường.
Người bệnh mắc lao kháng thuốc phải được điều trị theo một chế độ đặc biệt. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) tức là vi khuẩn lao đã kháng lại các thuốc isoniazid và rifampicin - 2 trong số những thuốc chống lao hàng đầu (gồm: isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), ethambutol và streptomycin (S)). WHO cũng đã báo động khẩn cấp về tình trạng vi khuẩn lao kháng lại mãnh liệt các thuốc chống lao, đó là bệnh lao cực kỳ kháng thuốc (XDR-TB) - bệnh lao này gặp nhiều ở những người bệnh lao có nhiễm HIV. Theo báo cáo của WHO thì bệnh XDR-TB hiện nay đã có mặt tại 45 quốc gia.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho vi khuẩn lao kháng thuốc. Đó có thể là do vi khuẩn tự biến đổi để tồn tại; do bệnh nhân không tuân thủ đúng phác đồ điều trị bệnh, tự ý ngừng thuốc, giảm liều...; do môi trường ô nhiễm, do khạc nhổ, xả rác bừa bãi nơi công cộng...; do điều trị không đúng cách… là những yếu tố khiến Việt Nam có số người mắc lao và bị kháng thuốc cao.
Theo thống kê của WHO, khoảng 2 tỷ người trên thế giới bị nhiễm bệnh lao, trong đó khoảng 450.000 người nhiễm trực khuẩn lao có khả năng kháng thuốc và khoảng 1,6 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này. |
Những người bệnh không mắc lao đa kháng thuốc (chỉ kháng isoniazid hay streptomycin chẳng hạn) có thể sử dụng lại phác đồ mà WHO khuyến cáo là 2SHRZE/RHZE/5(RHE)3.
Bệnh lao đa kháng thuốc phải được điều trị bằng các thuốc hàng thứ 2: Giai đoạn tấn công: thời gian 3 tháng với 5 loại thuốc. Giai đoạn duy trì: ít nhất 18 tháng. Phải kiểm soát trực tiếp việc điều trị: tìm AFB trong đờm liên tục trong 6 tháng, sau đó cứ 3 tháng một lần cho đến hết 18 tháng. Các thuốc chống lao hàng thứ 2 chỉ là các thuốc thứ yếu có nhiều tác dụng ngoài ý muốn nên phải theo dõi chặt chẽ. Khi dùng phác đồ này, nếu bệnh nhân không tuân thủ đúng hướng dẫn thì khả năng khỏi rất thấp, lúc đó không còn thuốc nào để chữa.
Trực khuẩn lao kháng thuốc phát triển khi các bệnh nhân không điều trị triệt để và cũng có thể lây trực tiếp từ người sang người. Chừng nào việc điều trị còn chưa đầy đủ và tỷ lệ chữa khỏi bệnh còn thấp hơn mức yêu cầu 85% thì số chủng trực khuẩn lao kháng thuốc sẽ còn phát triển.
BS. Lê Việt Hà