Tuy nhiên, để không bị bỏ lại phía sau, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người dân và du khách, một số BT đã nỗ lực đổi mới về nhiều mặt để phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có số lượng BT nhiều nhất. Theo thống kê, hệ thống BT Việt Nam hiện nay có 162 BT, trong đó có 126 BT công lập (Nhà nước) và 36 BT ngoài công lập (tư nhân). Các BT ở nước ta có một vị trí, vai trò quan trọng đối với đời sống vì đang lưu giữ và phát huy giá trị của hơn 3 triệu hiện vật phản án toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, trong đó có 101 hiện vật và nhóm hiện vật đặc biệt quý hiếm. Đặc biệt, thông qua công tác trưng bày và giáo dục, các BT là nơi lan tỏa những giá trị di sản vật chất và tinh thần về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời là trung tâm thông tin, là trường học và là địa chỉ văn hóa của công chúng.
Gần đây, BT Hà Nội là nơi được nhiều trường học cho học sinh đến tham quan, sinh hoạt ngoại khóa.
Trên thực tế, dù sở hữu nhiều BT với đa dạng loại hình nhưng thời gian qua, nhiều BT ở nước ta rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng khách bởi thiếu hấp dẫn trong cách thức trưng bày, ít đổi mới các hoạt động, chưa ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của công chúng. Do đó, đa số BT ở Việt Nam dù được đầu tư với lớn nhưng mới chỉ làm nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, điểm đến hấp dẫn du khách, là cầu nối và đòn bẩy để phát triển du lịch.
Đứng trước nhiều khó khăn và thử thách, để tìm lại vị thế của mình, nhiều BT thời gian gần đây đã phải đổi mới như trưng bày theo định hướng tăng cường các hiện vật gốc cũng như áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật (màn hình cảm ứng, kỹ thuật 3D, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ...) để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày. Bên cạnh đó, các BT đã tăng cường các hoạt động, các chương trình trải nghiệm, giáo dục di sản văn hóa để tăng thêm sự hấp dẫn đối với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Một trong những BT được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua ở nước ta thời gian qua về sự vắng vẻ là BT Hà Nội, gần đây đã có những động thái đổi mới để hút du khách. Theo đó, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày BT Hà Nội với 4 không gian trưng bày chính. Trong đó đáng chú ý, không gian trưng bày tầng 2 BT Hà Nội gồm các chủ đề: Câu chuyện của BT Hà Nội; cảnh quan thiên nhiên, đất đai và khoáng sản, động thực vật; Hành trình đến Thăng Long; Thăng Long thời Đại Việt. Tại không gian trưng bày tầng 3, BT Hà Nội với chủ đề Hà Nội thế kỷ XIX-XX bao gồm các tiểu chủ đề làng nghề - phố nghề, cư dân thành phố, tôn giáo tín ngưỡng, đời sống văn hóa - nghệ thuật... Và không gian trưng bày tầng 4, BT Hà Nội sẽ bám sát các chủ đề: Đấu tranh chống Pháp giành độc lập (1873-1954); kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); Hà Nội trên đường đổi mới... Trước đó, BT Hà Nội cũng có nhiều chương trình tính tương tác cao như: Rước trăng chơi phố, Tết Trung thu theo phong vị cổ truyền; Tết Việt... thu hút đông đảo du khách và các em học sinh tham gia. Bởi vậy nhiều người kỳ vọng, với sự đổi mới tại BT Hà Nội như trên, BT với kiến trúc “kim tự tháp” ngược và lớn nhất tại Thủ đô sẽ trở thành điểm đến của người dân, tương lai gần sẽ đưa BT này thoát khỏi tình trạng vắng vẻ như nhiều năm trước.
Một trong những BT đã đổi mới để luôn thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế là BT Văn hóa các dân tộc Việt Nam (phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên). Ngoài việc tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm tại chỗ và lưu động trong nước và quốc tế, hàng năm, BT Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa dân tộc cho các em nhỏ như: Đèn lồng nhân ái, Chiếc cày và người nông dân, Khung dệt xưa và nay... Chính vì thế, BT này luôn nằm trong top những BT hút khách nhất nước ta. Bên cạnh đó, BT Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) cũng được xem là “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống BT tại Việt Nam. Để có lượng khách tham quan ngày càng tăng như gần đây, BT Phụ nữ Việt Nam đã thay đổi về cách tiếp cận với công chúng. Từ tư duy lựa chọn chủ đề cho các trưng bày thiên về ca ngợi đơn thuần, đến việc quan tâm nhiều hơn tới những mối quan tâm của những người đương thời trong các vấn đề xã hội, thời sự. Từ chỗ BT đã tham gia phản biện xã hội bằng những cuộc triển lãm, trưng bày đã cho thấy tư duy sáng tạo, đổi mới của BT Phụ nữ Việt Nam.
Với việc tự làm mới kể trên và thay vì nghĩ BT chỉ là nơi giới thiệu lại tiến trình lịch sử, các nền văn hóa một cách thụ động và đơn thuần với việc nghe, nhìn, tìm hiểu thông tin qua thuyết minh, việc hướng đến xây dựng một BT với nhiều hoạt động trải nghiệm, tương tác và ứng dụng công nghệ tiên tiến đang giúp các BT ở nước ta “thay da đổi thịt”, là điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách quốc tế.