Chỉ mấy ngày đã gầy xọp. Vốn đã gầy nay trông càng thiểu não, râu tóc đã bạc phơ, hàm giả đã tháo ra để ăn cháo khiến khuôn mặt cụ càng biến dạng. Gay rồi! Cả nhà họp, quyết định chóng vánh đưa ông nhập viện.
Vốn là bác sĩ, chỉ ngồi ghế trước, chỉ tay năm ngón còn lại đã có người nhà phải lo, nay tôi chính thức làm vai trò người nhà bệnh nhân. Hành lý tuy đã được vợ tôi đóng gói gọn gàng đêm hôm trước nay đã xổ bung lên. Ông cụ chưa được 40kg, nhưng khi bế ẵm di chuyển cũng làm tôi túa mồ hôi vì… căng thẳng. Các đồng nghiệp Viện Lão khoa rất nhanh chóng khám xét, làm thủ tục nhập viện cấp cứu. Tôi thấy yên tâm hơn nhiều khi được gặp gỡ các nhân viên ở đây. Họ đều khá trẻ, có lẽ vì là bệnh viện mới thành lập (năm 2006), tất cả đều nhẹ nhàng, lịch sự, lễ độ và kiên nhẫn. Thật khâm phục vì nụ cười, từ tốn giải thích, đáp ứng mọi nhu cầu nếu có thể từ phía bệnh nhân của họ. Tôi có lời khen nhưng các em chỉ mủm mỉm: Chúng em quen rồi, phục vụ người già mà anh. Bệnh viện quét sơn xanh lá cây tươi mát, kiến trúc chắc là học của Tây nên khá hiện đại, bắt mắt. Hệ thống chỉ dẫn, biển báo đầy đủ nên hiếm thấy cảnh nháo nhác hỏi, tìm đường. Bệnh viện cho người già nên lãnh đạo bệnh viện đã chú ý hơn tới công năng khu vệ sinh, đường dẫn có chỗ vịn tay, không mấp mô để xe lăn di chuyển dễ dàng… Người bệnh đỡ khổ hơn nhiều!
Tập phục hồi chức năng cho người bệnh cao tuổi.
Chẳng ai biết tôi là bác sĩ, tôi ngoan ngoãn theo hướng dẫn của nhân viên ở đây. Có em điều dưỡng nam còn rất trẻ đưa chúng tôi đi chụp phim CT nhẹ nhàng, chu đáo hiếm thấy, luôn miệng: Bác làm ơn giúp cháu, bác cẩn thận lên dốc đấy… Ngay tối hôm đó lại thấy em trực đêm, vẫn nhẹ nhàng và mẫn cán. Thật ngạc nhiên là những nhân viên như vậy không hề hiếm gặp trong 10 ngày bố tôi nằm viện. Nghĩ lại những lúc nóng nảy, đôi khi “thô bạo” với bệnh nhân khi công việc bác sĩ ở bệnh viện mình, thấy xấu hổ quá! Phim CT được trả kết quả ngay sau 1 giờ, may quá ông cụ không bị u cục gì. Hú vía. Giờ chỉ lo chữa khó thở và vực lại sức cho cụ.
Lâu lắm mới ngủ đêm như một bệnh nhân ở bệnh viện. Nước uống nóng lạnh đầy đủ, chiếu xịn loại chống nước và cách nhiệt được phát cho người nhà, chỉ tiếc khu vệ sinh có vẻ quá tải. Đêm bệnh viện thật yên tĩnh nhưng khu điều trị tích cực đèn vẫn sáng trưng, gần chục bóng áo trắng thấp thoáng, chạy đôn chạy đáo. Tất cả đều được chăm sóc hỏi han trước khi đi ngủ. Lần đầu tiên bị lấy máu, truyền dịch ròng rã, bố tôi kêu rên lắm. Vốn đã là người khó tính, nay lại càng khó tính nên mọi thứ đụng chạm đến thân thể đều bị cụ thắc mắc, nghi vấn, bắt giải thích… Bố tôi chỉ có một đường truyền, trong khi những người khác cần tới 4-5 ống trên cơ thể gồm: sonde, ống, đường truyền… thì nhân viên y tế và người nhà càng vất vả hơn.
Đã quá nửa đêm, bệnh nhân và người nhà chìm vào giấc ngủ, thỉnh thoảng có tiếng rên đau đớn vang lên. Tất cả đều là bệnh nặng. Nhìn cách họ thở, số lượng ống trên người họ, ánh mắt xa xăm, người nhà vật vã xung quanh… tất cả đều trông chờ vào áo trắng… Mà không phải bệnh nhân nào cũng có thêm người nhà hỗ trợ. Một cụ bà lẫn não bị buộc tay vào thành giường cho khỏi giãy giụa, thỉnh thoảng lại kêu gọi vu vơ, chiếc áo xộc xệch hở ngực… Thật đáng thương! Tôi che chăn lại giúp cụ. Người nhà sáng hôm sau mới tới. Nhân viên y tế làm sao làm hết việc được?
Đêm hôm kia, một cụ bà bệnh nặng đã ra đi lúc 4h sáng sau khi tua trực đã chiến đấu với thần chết mệt lả. Không có tiếng khóc vang bệnh phòng, có lẽ người nhà đã được cảnh báo trước từ lâu. Tấm ga trắng phủ lên thi thể kèm theo cả đồ đạc lổng chổng. Mọi người lặng lẽ nhìn theo chiếc xe cáng lộc cộc lăn đi. Rất nhiều người trong đó có tôi đã thầm cảm ơn cuộc sống, cảm ơn y sinh đã giữ được bố tôi ở lại thế gian này. Áo trắng, vất vả và nghiệt ngã đấy nhưng vẫn nên theo, tôi tự nhủ lòng mình.
(Viết tại Khoa Hồi sức tích cực và đột quỵ - Bệnh viện Lão khoa Trung ương)