Khi bác sĩ trùng phùng nơi tiền tiêu Tổ quốc

05-06-2015 13:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dưới ngọn cờ Tổ quốc thiêng liêng, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ trong Câu lạc bộ Giám đốc các Bệnh viện phía Nam đã xúc động đến nghẹn ngào khi được siết chặt tay những đồng nghiệp là các chiến sĩ khoác áo blouse đang cùng đồng chí, đồng đội ngày đêm canh giữ biển trời...

Từ đảo Trường Sa sừng sững giữa biển trời đến đảo An Bang phía Cực Nam của quần đảo Trường Sa - Tổ quốc, cờ đỏ sao vàng luôn được giương cao đầy kiêu hãnh. Dưới ngọn cờ Tổ quốc thiêng liêng, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ trong Câu lạc bộ Giám đốc các Bệnh viện phía Nam đã xúc động đến nghẹn ngào khi được siết chặt tay những đồng nghiệp là các chiến sĩ khoác áo blouse đang cùng đồng chí, đồng đội ngày đêm canh giữ biển trời...

Đoàn công tác đang thăm hỏi bệnh nhân tại Bềnh xá đảo Trường Sa

Chăm sóc sức khỏe để đảo vững, bờ yên

Giữa muôn trùng khơi sóng gió, các bác sĩ đi ra từ đất mẹ đã phải thốt lên: “Khâm phục các anh quá. Trước bao khó khăn, thiếu thốn vẫn chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt cho bộ đội, người dân sống trên đảo và cả ngư dân trên các ngư trường”! Trước những sẻ chia đầy xúc động của các bác sĩ đến từ các bệnh viện trong đất liền, các y bác sĩ tại các Bệnh xá đảo Trường Sa, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài, An Bang và Nhà giàn DKI... đã bộc bạch:

Trong cuộc đời, mỗi người có một vài lần cần lựa chọn cho mình một con đường đi để sống và làm việc sao cho có ích nhất. Và lựa chọn ra đảo công tác để được chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, người dân và ngư dân là lựa chọn vinh quang và ý nghĩa nhất.

Giữ tâm thế ấy, BS. Trần Hoàng - Bệnh xá trưởng, Bệnh xá đảo An Bang và các đồng nghiệp dẫu trong điều kiện trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn nhưng đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp, nguy hiểm. Chiến sĩ Bùi Anh Đại - 21 tuổi, đang công tác tại đảo Thuyền Chài, bị viêm ruột thừa mũ quật ngược sau manh tràng đã may mắn được BS. Hoàng mổ cấp cứu, cứu sống. Chiến sĩ Đại bị đau ruột thừa không điển hình nên đến ngày thứ 2 mới được chuyển từ đảo Thuyền Chài đến Bệnh xá đảo An Bang, ngay sau khi khám, BS. Trần Hoàng đã xác định bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp và tiến hành mổ cấp cứu. Sau mổ một tuần, chiến sĩ Bùi Anh Đại được cắt chỉ, sinh hoạt bình thường và trở về đảo Thuyền Chài tiếp tục công tác.

Những đảo chìm như đảo Thuyền Chài, Bệnh xá là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân. Giữa biển trời mênh mông, việc chẩn đoán bệnh ban đầu đúng là vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp bệnh nhân được cứu sống kịp thời và cũng không làm ảnh hưởng tới nhiều đơn vị liên quan. BS. Nguyễn Văn Thành - Bệnh xá Trưởng, Bệnh xá Đảo Thuyền Chài A tâm sự, chẩn đoán đúng để chuyển bệnh nhân kịp thời là rất tốt. Còn trường hợp chẩn đoán thiếu chính xác sẽ làm ảnh hưởng tới nhiều đơn vị như: phải huy động tàu để chuyển bệnh nhân... Công việc của y bác sĩ trên đảo vì thế cũng gặp nhiều áp lực hơn.

Dẫu là vậy, BS. Thành vẫn muốn được sống cùng đồng chí đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió. Anh tâm sự đã gần 20 năm công tác trên các đảo của quần đảo Trường Sa, cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn, thời tiết vốn khắc nghiệt nhưng vượt lên tất cả, các cán bộ, chiến sĩ vẫn vững tâm để bảo vệ giữ vững chủ quyền biển đảo. Là một bác sĩ, cứu chữa người bệnh là nhiệm vụ cao cả, cứu chữa chăm sóc những người con kiên trung của Tổ quốc lại càng cao cả và thiêng liêng hơn. Đã phải xa gia đình suốt gần 20 năm qua, công tác trên nhiều đảo từ Đảo Đá Lớn C, B, Đá Tây A, Đảo Núi Le A và giờ đây là đảo Thuyền Chài A anh vẫn một lòng mong được sống cùng biển, đảo để bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.

Ca mổ ruột thừa đầu tiên tại đảo An Bang - Trường Sa

Cầm chắc ống nghe và vững chắc tay súng

Với nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, những y bác sĩ công tác trên quần đảo Trường Sa không chỉ là những thầy thuốc tận tụy, hết lòng với người bệnh mà còn là những chiến sĩ quân y, luôn vững chắc tay súng để bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Y sĩ Đỗ Hồng Nam, công tác tại đảo Tốc Tan B, cho biết, y bác sĩ công tác trên đảo cũng tham gia huấn luyện, canh gác đảo như các cán bộ, chiến sĩ khác trên đảo. Bảo vệ và giữ vững chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người con đất Việt nên y bác sĩ luôn ở trong tâm thế cầm chắc ống nghe và vững chắc tay súng. Và ở nơi muôn trùng sóng gió, y bác sĩ không chỉ là những người thầy thuốc mà còn là những người bạn tâm tình để sẻ chia những điều “thầm kín” với các chiến sĩ, đặc biệt là những chiến sĩ trẻ. “Nhiều chiến sĩ công tác trên đảo mới mười tám đôi mươi, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Với tâm lý e ngại, nhiều em không dám thổ lộ dẫu rất lo lắng. Những lúc như vậy mình tâm sự, khơi gợi để các em bộc lộ, chia sẻ những thắc mắc. Và sau khi được mình giải thích cặn kẽ các em rất yên tâm và vui vẻ”, y sĩ Nam bộc bạch.

Những cái xiết tay thật chặt, những cái ôm thật lâu và những giọt nước mắt hân hoan của ngày gặp mặt, cuộc trùng phùng của đoàn bác sĩ nơi tiền tiêu của Tổ quốc đã mang từ đất mẹ ra đảo xa những tình cảm thiết tha và cả những món quà vô cùng ý nghĩa. Thiếu tướng Tống Mạnh Chinh - Giám đốc Bệnh viện 30/4, đã không giấu được nỗi xúc động: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, đặt chân lên đảo Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mới khâm phục ý chí, sự kiên cường của các bộ, chiến sĩ trên đảo nói chung và cán bộ chiến sĩ quân y nói riêng. Trước muôn vàn khó khăn, họ vẫn hiên ngang vượt qua để bảo vệ sự yên bình cho đất nước. Ra đảo xa để thấy cả nước đã chung tay vì biển, đảo và giờ đây vẫn cần chung tay góp sức để xây dựng được một bệnh xá ngang tầm bệnh viện với các trang thiết bị hiện đại, với những y bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi để điều kiện chăm sóc sức khỏe của quân và dân ngày càng tốt hơn”.

Đại tá, TS.BS. Trần Quốc Việt - Phó giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 chia sẻ cảm xúc: “Không một bóng cây xanh, chỉ có sóng, gió, cát, san hô. Mùa khô thì một giọt nước quý như máu, mùa mưa bão thì sóng gió cuồn cuộn như muốn nhấn chìm cả điểm đóng quân. Từ những cơ sở đơn sơ ban đầu, các điểm đóng quân trên đảo ngày càng được củng cố vững chắc bằng những giọt mồ hôi mặn chát hơi muối của anh em công binh cần mẫn đắp đảo giữa các nắng như muốn đốt cháy thịt da. Những người lính đảo vẫn sừng sững hiên ngang vì “còn người là còn đảo”. Bao chiến sĩ vẫn đang dành trọn tuổi thanh xuân để gìn giữ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc yêu thương”!

​NGUYỄN HUYỀN

 


Ý kiến của bạn