Khi bác sĩ quyết giành lại cuộc sống cho người bệnh

20-05-2015 14:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Buổi chiều hôm ấy, sau giờ làm việc thay vì trở về nhà, chúng tôi đã nán lại bệnh viện, mấy anh chị em cắm phim chụp cắt lớp vi tính lên đèn đọc phim. Và chúng tôi nhận ra, ẩn chứa bên trong bức ảnh đen trắng tưởng như vô hồn ấy, là những thông tin bí mật về số phận của một con người.

Một ca bệnh khó ở bệnh viện (Phần 3)

Có thể bạn nghĩ rằng, bác sĩ chỉ biết nhìn vào căn bệnh mà kê đơn thuốc. Thực tế không phải vậy, nếu trong môi trường y khoa có bác sĩ như thế, thì đó sẽ là bác sĩ nghèo nhất trong số các bác sĩ.

Khi bác sĩ đến bên giường bệnh, những tri thức y khoa là cần thiết, nhưng trái tim của người bác sĩ cũng phải không ngừng thôi thúc sự tò mò, giục giã sự trăn trở vô hạn, để tìm ra những căn nguyên gây bệnh ẩn chứa đằng sau nó. Và trong trường hợp của bệnh nhân Lan, sự tò mò và trăn trở ấy đã trở thành một chuỗi hành động của “tình con người”, mà y học chỉ là một phương thức để kết nối tình cảm giữa thầy thuốc với bệnh nhân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong câu chuyện tôi đang kể, thì mối “liên kết” đầu tiên được thực hiện bởi một nữ đồng nghiệp của tôi, chị là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.

Tôi nhớ mãi đêm ấy, chị đã gọi điện cho tôi cả tiếng đồng hồ để nói chuyện về trường hợp của Lan. Chị đã siêu âm đi siêu âm lại, đã xem kĩ phim chụp cắt lớp vi tính, thấy có một khối u lớn chèn vào D2 tá tràng, gây giãn toàn bộ dạ dày, làm cho Lan nôn hết tất cả những gì sau khi em ăn xong.

Rất nhiều chẩn đoán được đặt ra: từ lành tính như tá tràng đôi, u tế bào mầm, u quái; cho đến các khối u ác tính dù hiếm gặp nhất cũng được các bác sĩ nhắc đến khi hội chẩn. Và dù là tổn thương gì chăng nữa, thì với thể trạng suy kiệt da bọc xương của em Lan, sau một cuộc đại phẫu thuật nhiều khả năng là cắt khối tá tụy, thì cơ hội sống của em cũng gần như không có.

Vậy chúng tôi phải làm gì để cứu sống em?

Trước một bản án tử hình, khi biết mọi cố gắng của bác sĩ đều bó tay với số phận, gia đình Lan tuyệt vọng, họ hàng ép mẹ Lan kí vào đơn không đồng ý mổ và xin về. Bác sĩ nữ đồng nghiệp của tôi đã bị sốc, chị dành thật nhiều thời gian bên mẹ Lan để động viên an ủi, nhưng chị không thể thuyết phục nổi vì người mẹ ấy đã kiệt sức nên đành buông xuôi số phận.

Khi thấy người chú và người bác họ đến “cướp” Lan, tôi đã nắm tay người mẹ trẻ mà nói rằng “Chị hãy tin tôi đi, tôi sẽ làm được điều gì đó cho con gái chị, tôi hứa sẽ trả cháu về với mẹ”. Suốt đêm hôm đó tôi mất ngủ, tôi hối hận vì đã gieo vào người mẹ một niềm tin mà tôi đang nói dối. Nhưng quả thật là tôi muốn một điều gì đó tích cực hơn là những suy nghĩ bế tắc.

Buổi chiều hôm ấy, sau giờ làm việc thay vì trở về nhà, chúng tôi đã nán lại bệnh viện, mấy anh chị em cắm phim chụp cắt lớp vi tính lên đèn đọc phim. Và chúng tôi nhận ra, ẩn chứa bên trong bức ảnh đen trắng tưởng như vô hồn ấy, là những thông tin bí mật về số phận của một con người. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bằng mọi cách lôi những bí mật ấy ra ngoài ánh sáng để giúp cho số phận con người ấy trở nên tốt hơn, hạnh phúc và hữu ích hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau khi thống nhất những điều bất hợp lí trên phim so với chẩn đoán, chúng tôi hỏi lại Lan những câu chuyện của em từ 3 năm về trước. Lan kể có lần thấy em trai trượt trượt chân ngã, cô bé lao vội đến giữ em nên không may đập bụng vào thành bể. Dù đau lắm nhưng không muốn bố mẹ lo lắng, chiều ấy em vẫn nấu cơm như bình thường, chỉ mấy ngày sau đó thì em đau bụng nhưng rồi cũng qua…

Câu chuyện của Lan chính là manh mối để chúng tôi nghĩ đến một khối máu tụ ở khu vực D2 tá tràng, đã tạo thành nang và tổ chức hóa phần nào làm cho tất cả các bác sĩ nhầm với khối u. Tia hi vọng đã nhen nhóm, chúng tôi bắt đầu thực hiện việc kết nối với các bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm nhất trong viện để có thể thực hiện ca mổ một cách hoàn hảo nhất.

Rời bệnh viện khi đã gần 10 giờ đêm, tôi không thể quên hình ảnh người mẹ trẻ ngồi bên đứa co gái 11 tuổi chỉ còn da bọc xương, với hơi thở ì ạch, bụng chướng căng; hình ảnh ấy là một thực tế đau đớn đủ sức làm tắt đi mọi tia hi vọng…

(Còn nữa)

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

 

 


Ý kiến của bạn