Ở Việt Nam có những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ… khoác áo blouse trắng, họ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thành công ở sân chơi nghệ thuật. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, cùng điểm qua một số gương mặt thầy thuốc thành danh trong nghệ thuật.
Những bác sĩ bén duyên với âm nhạc
Công chúng yêu nhạc hẳn đều biết đến nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, với những ca khúc trữ tình vui nhộn, sâu lắng: Ơi cuộc sống mến thương, Như khúc tình ca, Chia tay tình đầu, Ngày đầu tiên đi học, Bé tập chải răng... Nhưng có lẽ, ít ai biết, ông còn là một thầy thuốc ưu tú, đang làm việc tại Khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện đa khoa TP. Hồ Chí Minh. Nguyễn Ngọc Thiện đến với âm nhạc rất sớm, khi còn nhỏ, ông đã có cơ hội làm quen với nhiều nhạc cụ và bắt đầu sáng tác khi là sinh viên trường y. Những sáng tác của ông trong trẻo, giai điệu tươi vui, rộn rã... luôn thúc đẩy lòng ham sống và khát khao cống hiến của tuổi trẻ. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Thiện - nhạc sĩ, được biết đến rất sớm, với những ca khúc ra đời vào thời kỳ đất nước trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến nay, nhạc sĩ đã xuất bản 4 cassette và nhiều album, là thành viên nhóm “Những người bạn”, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Sóng nhạc, đồng thời là một cây bút quen thuộc của nhiều trang báo.
![]() Bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. |
Làng nhạc Việt cũng ghi dấu một gương mặt nhạc sĩ - bác sĩ với những ca khúc hào hùng về người lính, về chiến tranh..., đó là nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Đại tá - Phó Giám đốc Bệnh viện 175, Bộ Quốc Phòng. Bắt đầu từ một ca khúc sáng tác trong hoàn cảnh “bất đắc dĩ” năm 17 tuổi, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, khi còn là một sinh viên y khoa đã bén duyên với âm nhạc một cách thật tình cờ. Là một cán bộ Đoàn năng nổ, yêu văn nghệ, ông cùng bạn bè đã hoạt động sôi nổi trong suốt những năm chiến tranh, với vai trò là người chơi nhạc và sáng tác ca khúc. Nguyễn Hồng Sơn sáng tác không nhiều nhưng đề tài khá đa dạng: về người lính, chiến tranh, quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống và thân phận con người. Trong năm 2011, ông đã kết hợp cùng ca sĩ Quỳnh Hợp phát hành một album các ca khúc về Trường Sa.
Trong số những bác sĩ bén duyên với âm nhạc, còn phải kể đến bác sĩ Nguyễn Thọ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW II, người được coi là nhạc sĩ của những bệnh nhân tâm thần. Số lượng tác phẩm của ông chỉ chừng hơn chục ca khúc, nhưng nội dung của nó đều gắn liền với tình yêu nghề và việc chữa trị hiệu quả cho những bệnh nhân đặc biệt.
Mới đây, chương trình Bài hát Việt chứng kiến sự trình làng của nhạc sĩ trẻ Minh Đức với hai bài hát Còn lại những yêu thương và Cánh diều còn không. Anh hiện là bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Chàng nhạc sĩ trẻ đã có trong tay hơn 50 tác phẩm và được đánh giá là một gương mặt triển vọng của làng nhạc Việt.
Khi bác sĩ làm thơ, viết văn và vẽ tranh
![]() Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. |
Những độc giả một thời của báo Mực Tím hẳn không quên những câu trả lời dí dỏm, thông minh của vị bác sĩ phụ trách Phòng mạch Mực Tím. Ít ai ngờ ông còn làm thơ, viết văn, viết về Phật và thiền... hết sức nhân văn và sâu lắng, ông chính là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh. Nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến một vị bác sĩ đặc biệt: làm khoa học nghiêm túc, chuẩn xác bao nhiêu thì trong nghệ thuật lại phiêu bồng, trầm tư, chiêm nghiệm bấy nhiêu. Đỗ Hồng Ngọc viết khỏe và viết khéo, mê văn chương từ bé, viết văn và viết báo khi còn là học sinh phổ thông, đến khi trở thành sinh viên y khoa, ông đã xuất bản tập thơ đầu tay Tình người. Ông dành tình cảm cho nhiều người, với các em bé có Thư cho trẻ sơ sinh, cho những người trẻ, ông viết Khi người ta lớn. Ông đặc biệt quan tâm đến tuổi già với ba cuốn sách: Một tuổi trẻ lạ lùng, Gió heo may đã về, Già ơi... chào bạn! Ngoài làm thơ, viết văn, thỉnh thoảng ông tự vẽ minh họa cho tác phẩm của mình hoặc phác họa chân dung bạn bè. Họa sĩ - bác sĩ Dương Cẩm Chương chính là một người bạn, một người thầy trong nghề mà Đỗ Hồng Ngọc rất kính trọng. Đây cũng là một vị bác sĩ tài hoa cả trong khoa học và nghệ thuật. Ông là một trong những sinh viên y khoa đầu tiên của Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc, cùng thế hệ với giáo sư Tôn Thất Tùng. Ham mê nghệ thuật từ nhỏ, khi học trường y, ông đồng thời cũng theo học dự bị tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tốt nghiệp đại học, bác sĩ Dương Cẩm Chương làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó nghỉ hưu rồi ra nước ngoài sinh sống. Ông tiếp tục theo học mỹ thuật, đã có hơn 20 triển lãm tranh tại Pari cùng hàng chục giải thưởng quốc tế. Sau hơn 20 năm trở về Việt Nam, họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ tranh, tổ chức triển lãm và xuất bản sách mỹ thuật. Tranh của ông thuộc trường phái ấn tượng, trong đó, tranh phong cảnh chiếm vị trí chủ đạo...
![]() Họa sĩ, bác sĩ Dương Cẩm Chương. |
Khi nghệ thuật thăng hoa cùng khoa học
Môi trường làm việc tại bệnh viện, với các bệnh nhân... chính là hiện thực phong phú khơi nguồn cảm hứng cho nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời của những bác sĩ - nghệ sĩ. Nhạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thọ là một trường hợp điển hình cho việc dùng nghệ thuật phục vụ khoa học, biết bao bệnh nhân tâm thần nhờ kiến thức âm nhạc và những sáng tác của ông đã trở lại với đời thường. Không giải thưởng, không vinh danh, nhưng những gì ông đã và đang làm cho cuộc đời đã minh chứng cho y đức cao cả của người thầy thuốc.
Một điều dễ nhận thấy trong các sáng tác của những bác sĩ, đó là lòng ham sống và khát khao được cống hiến. Có lẽ, làm việc ở một nơi đặc biệt: chứng kiến sự bắt đầu cũng như sự kết thúc của cuộc đời mỗi con người, đã khiến những nghệ sĩ này thấu hiểu sâu sắc hơn ai hết sự quý giá của từng phút giây cuộc sống. Khi được hỏi nếu được chọn giữa nghề y và nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã thẳng thắn cho rằng, ông đam mê cả hai và đều làm việc hết mình để thỏa mãn đam mê, bởi ông luôn quan niệm “Cuộc sống quanh ta tuy vất vả nhưng cuộc đời ơi ta mến thương…”. Sự hài hòa bất ngờ giữa nghệ thuật và khoa học một lần nữa cho thấy, y đức không chỉ có ở bệnh viện mà hiện hữu ngay giữa cuộc đời nếu chúng ta biết trân trọng cuộc sống.
Phùng Nguyễn