Khi bác sĩ cầm bút

21-06-2023 07:00 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Bác sĩ vẫn có thể là nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo và nhiều bác sĩ đã là những cộng tác viên không thể thiếu trong lĩnh vực tuyên truyền về sức khỏe cho người dân...

Cái ngày quyết định chọn trường y để mong trở thành bác sĩ, bạn bè của tôi nhiều người bảo: Sao không chọn trường sư phạm ấy, hay sao không chọn trường tổng hợp ấy, mà học bách khoa cũng được, ra trường có người xin việc cho luôn, làm bác sĩ vất vả suốt ngày trong môi trường bệnh viện, rồi tiếp xúc với bệnh tật, làm gì có thời gian mà... vân vân và mây mây.

Nhưng tôi đã quyết thành bác sĩ và thực sự thì bác sĩ cũng không lạnh lùng, khô khan như nhiều người nghĩ. 

Quả thật, nói đến bác sĩ là một hình ảnh đem dọa trẻ con với một cái kim tiêm to, với con dao để mổ bụng... bác sĩ với bọn trẻ như một con ngáo ộp còn với nhiều người, bác sĩ luôn gắn với bệnh viện, nơi những người bệnh đang ốm đau và ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.

Khi bác sĩ cầm bút - Ảnh 1.

TS. Trịnh Thị Bích Huyền

Bác sĩ là những người đang tranh đấu giành lại sự mong manh nên nhìn có vẻ lạnh lùng, kiên định khi khoác trên mình màu áo blouse trắng, nhưng bác sĩ cũng có lúc âm thầm rơi nước mắt vì bất lực trước sự ra đi của người bệnh mà mình không làm được gì. 

Tất cả những điều đó đã là nguồn cảm hứng để những bác sĩ trở thành thi sĩ, nhà thơ, nhà văn... Và bác sĩ còn là những nhà khoa học khi viết về những vấn đề sức khỏe để phổ biến kiến thức khoa học thực sự giữa muôn vàn thông tin gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Nhiều bác sĩ đã tham gia cộng tác cho các báo trong lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là Báo Sức khỏe & Đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế và bác sĩ đã thể hiện được vai trò không thể thiếu được trong mặt trận tuyên truyền phổ biến kiến thức về các vấn đề y tế cho người dân.

Trong thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội nở rộ như Facebook, Zalo, hay Tiktok... ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của mọi người. Với lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày và nhiều nguồn tin không rõ ràng, gây hoang mang, đưa ra những kiến thức sai lệch về chăm sóc sức khỏe... thì bác sĩ sẽ là những người đưa ra nhưng thông tin chuẩn mực để giúp người dân hiểu được vấn đề.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhiều thông tin bệnh, cách điều trị bệnh rồi những tin đồn thất thiệt, không chính xác lan tràn, sự kết hợp giữa bác sĩ và báo chí giúp đưa ra những thông tin có ý nghĩa khoa học giúp an tâm người dân.

Đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, một lĩnh vực mà kiến thức và sự hiểu biết của bệnh của người dân còn chưa đầy đủ, họ cho rằng bệnh tâm thần là do nhiều nguyên nhân thần bí, có màu sắc mê tín dị đoan. Người bệnh không được đưa đến bệnh viện chữa mà đưa đi cúng để trừ tà, bắt ma, trình đồng mở phủ... gây tổn hại về kinh tế và bệnh thì nặng hơn. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư, nghe những thông tin tuyên truyền như sử dụng thực phẩm chức năng, hay uống thuốc nam thuốc lá mà bỏ điều trị tại bệnh viện và đã phải chịu những hậu quả nghiêm trọng. Lúc này, vai trò của bác sĩ và báo chí trở nên vô cùng quan trọng trong cuộc chiến thông tin, nhằm đem lại những kiến thức chuẩn mực cho người dân.

Một vấn đề không thể thiếu được đó là bác sĩ viết và tuyên truyền, phổ biến những kiến thức trong phòng bệnh và chữa bệnh cho người dân một cách chính xác nhất. Những kiến thức phòng bệnh lây truyền như sốt xuất huyết, bệnh cúm A, bệnh viêm gan B, những kiến thức xử lý vấn đề đơn giản như cấp cứu điện giật, cấp cứu người bệnh động kinh, đuối nước, chó cắn, bỏng... là những vấn đề thường gặp và người dân có thể xử lý ban đầu. 

Chỉ những vấn đề đơn giản vậy thôi, nhưng nếu bạn thử gõ trên tìm kiếm "bác sĩ Google" thì bạn sẽ thấy vô cùng nhiều thông tin nhiễu loạn và không ít những thông tin ở đó là không có khoa học, nếu bạn làm theo sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì vậy, những bài viết chứa đựng những thông tin chuẩn của các bác sĩ vô cùng quan trọng và hãy tìm đến những địa chỉ tin cậy như những bài viết của Báo Sức khỏe & Đời sống.

Trong quá trình làm việc, bác sĩ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Vui khi người bệnh hồi phục hoàn toàn sức khỏe, được ra viện trở về nhà với gia đình của họ. Buồn khi lực bất tòng tâm, không thể làm gì để cứu người bệnh khỏi lưỡi hái của vị thần chết kia. Rồi có những lúc bác sĩ cũng day dứt trăn trở khi mình có những xử trí còn chưa được chuẩn, chưa được chính xác, về đến nhà rồi vẫn còn gọi điện trao đổi kiến thức với đồng nghiệp các chuyên khoa để có được xử lý phù hợp nhất cho người bệnh. Tất cả những điều đó, các bác sĩ đã chia sẻ như nhật ký của mình.

Mục Blog thầy thuốc của Báo Sức khỏe & Đời sống như là một nơi để bác sĩ gửi gắm tâm sự về nghề nghiệp, công việc của mình, chúng ta có thể thấy những bác sĩ khoác áo blouse trắng là những người đầy cảm xúc và nhiều tâm tư như những người bình thường, nhân viên ngành y cũng phải trở về với cuộc sống, với gia đình của họ, cũng có những mối lo toan như bao người khác, không phải chỉ khoác trên mình bộ đồng phục blouse và chỉ biết đến bệnh viện... 

Tôi đã tham gia và viết bài cho Báo Sức khỏe & Đời sống cùng nhiều báo khác trong suốt 15 năm qua, về các vấn đề sức khỏe tâm thần và chuyên mục Blog thầy thuốc. Từ những bài báo này, nhiều bệnh nhân đã hiểu được căn bệnh của mình và tìm được đúng nơi để chữa bệnh. Và rất nhiều bác sĩ trong các chuyên ngành khác nhau như chuyên ngành chống độc, hồi sức cấp cứu, nhãn khoa, tim mạch... của các bệnh viện đầu ngành đã viết nhiều bài về lĩnh vực sức khỏe chuyên ngành, phổ biến kiến thức cho người dân. 

Và bác sĩ không chỉ cầm ống nghe, dao mổ... mà họ còn là những người cầm bút trong mặt trận tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân.


TS. Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn