Khi bác sĩ bị đình chỉ công việc

20-09-2017 19:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Đúng 21 năm trước, một vụ tai biến y khoa ở Bệnh viện Mắt Trung ương đã giết chết một bác sĩ tài năng tên là Nguyễn Duy Minh.

Câu chuyện bắt đầu vào buổi sáng ngày 16/7/1996. BS. Minh làm theo y lệnh, thực hiện thủ thuật tiêm thuốc gentamycin và hydrocortison vào khoang cạnh nhãn cầu 2 mắt cho bệnh nhân Nguyễn Tiến Khê. Chỉ vài tiếng sau đó, bệnh nhân kêu đau nhức mắt trái, rồi không nhìn thấy gì, các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu.

Thực sự, bệnh nhân Khê đã phải trải qua những tháng ngày cực kì tồi tệ. Gia đình bệnh nhân đã gây áp lực với BS. Minh, yêu cầu Bộ Y tế phải đuổi việc bác sĩ, cá nhân BS. Minh phải bồi thường thiệt hại 30 triệu đồng.

Thời điểm ấy, một bữa ăn của tôi ở Trường đại học Y Hà Nội là 750 đồng, sinh viên khá giả ăn nhiều gấp đôi là 1.500 đồng. Chỉ cần 10 triệu là có thể mua được một căn hộ lớn 2 tầng, ở chính khu Giảng Võ.

Tổ 12 lớp Y4C có tất cả 12 sinh viên, trong đó có tôi. Chúng tôi đi thực tập 2 tháng ở Bệnh viện Mắt Trung ương.

Khởi đầu là 2 tuần học ở Khoa Glocom. BS. Nguyễn Duy Minh công tác ở khoa này là một trong số những người thầy nổi tiếng giỏi chuyên môn và nhiệt tình giảng dạy cho sinh viên. Thầy Minh rất đẹp trai, hiền và khiêm tốn nên sinh viên chúng tôi ai cũng yêu quý.

Tôi thực sự ám ảnh, khi mỗi buổi sáng đến Khoa Glocom, lại thấy hình ảnh thầy Minh cả ngày lặng lẽ ngồi nhìn những chồng bệnh án, nhìn những dãy bàn ghế trống. Trước mắt thầy bao giờ cũng có một tập báo nói về vụ tai biến mà thầy giống như một tội đồ.

Thực tế, BS. Minh không phạm phải sai lầm, nhưng bệnh nhân Khê lại do chính BS. Minh điều trị, nên thầy không thể thanh minh điều đó với bất cứ ai. Bệnh nhân mất thị lực đã khiến BS. Minh quá đau buồn, thêm áp lực từ phía gia đình bệnh nhân, cũng như cái nhìn và phản ứng của đồng nghiệp với một tình huống tai biến y khoa đã khiến BS. Minh rơi vào một kết cục vô cùng bi thảm.

Báo chí và dư luận lúc ấy coi sự việc quá nóng, có lẽ vì thế mà Bệnh viện Mắt Trung ương đã phải ra một văn bản đề nghị Trường đại học Y Hà Nội tạm đình chỉ công tác hướng dẫn sinh viên thực tập, tạm đình chỉ luôn cả việc đi tu nghiệp tại Cộng hòa Pháp của BS. Nguyễn Duy Minh. Lúc đó, BS. Minh vừa nhận visa đi Pháp thì cánh cửa cuộc đời đã bắt đầu khép lại…

Hà Nội những ngày cuối thu, đầu đông năm 1996, thầy Minh và 12 sinh viên của Tổ 12 Lớp Y4C, trong căn phòng lạnh của khoa Glocom Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi đã chia sẻ với nhau bao nhiêu những câu chuyện vui buồn. Chúng tôi là những sinh viên cuối cùng được BS. Minh giảng dạy. Thầy đã dạy cho chúng tôi nhiều lắm, bản thân tôi học được ở thầy rất nhiều điều. Nhưng chừng đó tình cảm và việc làm, tôi hiểu hơn ai hết, nó không đủ để lấp đầy cái hố đen đang lớn dần trong trái tim thầy Minh.

Hồi 19 giờ ngày 25/11/1996, PGS.TS.Tôn Kim Thanh - Viện trưởng Bệnh viện Mắt Trung ương đã nhận được cuộc điện thoại từ gia đình báo tin, BS. Nguyễn Duy Minh đã thắt cổ tự tử tại nhà riêng, để lại người vợ trẻ và đứa con chưa kịp chào đời...

Bộ Y tế đã cử Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng nhanh chóng viết báo cáo gửi Chính phủ giải trình về cái chết của BS. Nguyễn Duy Minh. BV Mắt Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức tang lễ cho BS. Minh thật chu đáo.

Để tưởng nhớ thầy Minh, cách tốt nhất mà sinh viên chúng tôi có thể làm, là học thật giỏi những điều thầy dạy. Thi tốt nghiệp mắt, cả 12 bạn sinh viên chúng tôi đạt điểm cao đặc biệt, bản thân tôi đạt 10 điểm và tôi đã khóc ngay sau khi ra khỏi phòng thi.

Bác sĩ không được phép mắc sai lầm? Đó là một thực tế mà xã hội đòi hỏi ở ngành y chúng tôi quá cao.

Ngay cả ngành công nghiệp hàng không cũng nhận thấy điều đó là không thể, mà chắc chắn những sai lầm của họ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc lớn gấp nhiều lần so với tai biến y khoa.

Và khi những sự cố y khoa xảy ra, bao giờ người ta cũng quy lỗi cho một cá nhân. Điều đó hoàn toàn đúng, bởi lỗi luôn xuất phát từ một việc làm cụ thể.

Cách giải quyết khi cá nhân mắc lỗi, bao giờ cũng bị tạm đình chỉ công tác, sau đó tùy theo mức độ lỗi mà thi hành kỉ luật, từ khiển trách cho đến đuổi việc.

Câu chuyện BS. Nguyễn Thị Minh - Khoa Mắt Trẻ em của Bệnh viện Mắt Trung ương vừa bị bố bệnh nhân quay clip phát tán lên mạng internet là một ví dụ rất điển hình.

Có thể hành động gác chân cao của BS. Minh chỉ là lỗi ứng xử hoàn toàn cá nhân!

Nhưng tại sao chúng ta không thử đặt ra giả thiết, một nữ bác sĩ còn 2 năm nữa về hưu, ngồi khám cả buổi cho hàng trăm bệnh nhân, lại toàn các cháu bé, cuối giờ bị bố bệnh nhân vào gây sự, rồi chỉ đạo bác sĩ phải khám thế nọ thế kia một cách vô lí thì điều gì sẽ xảy ra?

Tôi đã khám cho không biết bao nhiêu bệnh nhân ở tuổi chị Minh, thấy đa số họ bị suy van tĩnh mạch chi dưới. Chỉ cần đứng một lúc lâu hoặc ngồi một chỗ vài tiếng là chân có cảm giác kiến cắn râm ran và giòi bò trong xương như người nghiện.

Tôi đã khuyên những bệnh nhân của tôi là ngay cả khi ngồi làm việc, nếu có thể thì cũng nên thường xuyên gác chân cao. Và dù tôi có khuyên hay không thì những người suy van tĩnh mạch chi cũng sẽ làm việc đó như một phản xạ.

Có rất nhiều lí do như thế, để giải thích cho hành động tại sao BS. Nguyễn Thị Minh gác chân cao khi phải trả lời những câu đôi co gây sự của người nhà bệnh nhân.

Khi đoạn clip đăng tải trên mạng internet, nó đã lan truyền chóng mặt. Người ta dành những lời miệt thị không chỉ với BS. Minh mà còn để sỉ nhục cả giới y khoa.

Và hệ quả là BS. Minh bị tạm đình chỉ công tác…

Tại sao chúng ta chỉ quy cho BS. Nguyễn Thị Minh mắc lỗi gác chân là không lịch sự với người nhà bệnh nhân, mà không đặt câu hỏi đang có vấn đề gì bất ổn làm cho chị Minh phải mắc lỗi như vậy? Tìm và giải quyết được những nguyên nhân căn bản ấy mới giúp giảm áp lực và đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh và mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân.


BS. Trần Văn Phúc
Ý kiến của bạn