Hỗ trợ nguồn vắc xin cho công nhân
Đoàn đã kiểm tra tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang. Ông Cao Thanh Lương – Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang cho biết, công ty có 4 phân xưởng, tổng số người lao động là 3.884 người, trong đó có 217 người là lao động ngoài tỉnh.
Ngày 30/4 và ngày 4/5 vừa qua, trong công ty có 2 lao động trở về từ Nam Định, và Vĩnh Phúc. Thời điểm đó, 2 địa phương này đang được công bố có dịch bệnh. Ngay sau khi người lao động trở lại Kiên Giang đã được thực hiện khai báo y tế, thực hiện cách ly theo đúng quy định.
Đoàn đã kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang. Ảnh: H.T
Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, công ty cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ngay tại đơn vị. Các biện pháp đã được triển khai: Cấp phát khẩu trang, nước rửa tay cho phân xưởng; Hàng ngày kiểm soát việc người lao động đeo khẩu trang, khai báo y tế, đo thân nhiệt; Lập danh sách truy vết người có liên quan, hoặc nghi ngờ có liên quan đến các ca nhiễm (nếu có). Công ty cũng đã tổ chức giãn cách tại các phân xưởng, lắp đặt các tấm chắn giọt bắn giữa những vị trí lao động. Tại khu vực nhà ăn đã được phân luồng bố trí tránh tiếp xúc gần. Thay vì trước đây công ty tổ chức cho người lao động ăn chung một bàn thì hiện nay đồ ăn được đóng riêng từng hộp, bàn ăn có vách ngăn.
Về phương án nếu có ca nhiễm, công ty đã trang bị phòng cách ly tạm thời để kịp thời cách ly trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về các biện pháp tiếp nhận, xử trí cho người bệnh; Thực hiện vệ sinh các phân xưởng, và các khu vực khác trong công ty…
Ngoài việc xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch. Vừa qua, đơn vị cũng đã kiểm tra đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Chỉ số nguy cơ lây nhiễm 67/300 điểm, xếp loại nhóm nguy cơ lây nhiễm thấp.
Đoàn kiểm tra tại khu nhà ăn tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang. Ảnh: H.T
Hiện nay, khó khăn mà đơn vị còn gặp phải là căn cứ công văn số 4352/BYT-MT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn, cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, tại điều 4 quy định: Yêu cầu các KCN tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 hàng tuần cho các đối tượng liên quan: Lái xe, phục vụ nhà ăn và 20% người lao động ngẫu nhiên. Tổng chi phí sẽ rất lớn và công văn cũng chưa có sự hướng dẫn chi tiết về việc test nhanh diễn ra cho đến khi nào.
Trước tình hình dịch ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng lao động của công ty đông nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, ông Cao Thanh Lương kiến nghị Chính phủ có sự ưu tiên tiêm vắc xin 100% cho cán bộ, công nhân viên của công ty. Ngoài ra, đơn vị mong muốn được hỗ trợ chi phí test nhanh và hỗ trợ chi phí trang thiết bị, vật tư phòng dịch.
Bảo vệ mục tiêu kép
Cũng về việc bảo vệ cho đội ngũ công nhân, người lao động, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang chia sẻ, hiện nay dù dịch bệnh tại tỉnh Kiên Giang vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên với đặc điểm lượng người lao động ngoại tỉnh khá nhiều, nên rất sợ dịch bệnh bùng phát đặc biệt là trong KCN, phá vỡ “mục tiêu kép” mà tỉnh đang thực hiện.
Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang đề nghị tiêm vắc xin cho 100% công nhân, người lao động. Ảnh: H.T
Vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu lưu trú cho công nhân, người lao động để quản lý và phòng chống dịch tốt, bảo vệ người lao động tốt hơn, tuy nhiên vì không có hiệu quả kinh tế nên không kêu gọi được. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang đề nghị UBND tỉnh từ nguồn ngân sách để xây dựng các khu lưu trú cho công nhân.
Đối với việc hỗ trợ tiêm vắc xin cho người lao động, theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, lượng công nhân trên địa bàn rất đông. Nếu Chính phủ hỗ trợ đủ nguồn vắc xin thì rất tốt, nếu không phải vận động các nguồn xã hội hoá . Điều quan trọng là doanh nghiệp được tạo điều kiện phân bổ nguồn vắc xin đã được Bộ Y tế thẩm định.
Theo ông Đặng Hồng Sơn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, KCN trên địa bàn có khoảng 13.000 công nhân đang làm việc. Địa giới tỉnh Kiên Giang có đặc thù là đường biên giới dài, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Do đó, để đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân. Ngoài ra, đối với phương án test nhanh 20% trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hiện nay các công ty chưa có nguy cơ cao thì chưa thực hiện, khi có nguy cơ cao mới thực hiện, và các đơn vị cần được hướng dẫn để an tâm thực hiện các phương án phòng, chống dịch…
PGS.TS Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý môi trường y tế đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang được triển khai tại doanh nghiệp. Ảnh: H.T
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Cục Quản lý môi trường – Bộ Y tế, Viện Y tế Công cộng TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM đã đánh giá công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại đây đã có sự chủ động, nhiều biện pháp kịp thời, được kiểm tra giám sát. Đối với một số tồn tại, hạn chế, đoàn đã có những góp ý để doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn.
Cùng ngày, đoàn cũng đã kiểm tra tại các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.