Vào lúc 16h00, ngày 11/9 khe co giãn số 2 phía thượng, mố nam (phía phải đường sắt) phần đường bộ cầu Hàm Rồng, TP Thanh Hóa bị bong bật bản cao su, khiến hệ thống lan can cầu bị lệch, chưa xác định được nguyên nhân.
Hiện tại để đảm bảo an toàn cho phương tiện đường bộ lưu thông qua cầu, Công ty CP đường sắt Thanh Hóa triển khai ngay việc gia cố tạm bằng tấm thép bản với kích thước dài 5,2m, rộng 45cm, dày 20mm tạo êm thuận và bố trí nhân lực trực chốt thường xuyên kiểm tra theo dõi.
Trạng thái công trình chưa có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông bình thường của phương tiện giao thông đường bộ khi qua khe co giãn trên.
Cầu Hàm Rồng nối đôi bờ Sông Mã, gối đầu lên núi Ngọc, núi Rồng bao quanh là dòng sông xanh uốn khúc chở nặng phù sa. Cầu Hàm Rồng bất tử nối liền hạt ngọc với miệng thần long, sông Mã. Cầu Hàm Rồng được Pháp khởi công xây dựng vào năm 1901 do hai kỹ sư người Đức thiết kế và thi công.
Năm 1904, cầu mái vòm được xây xong rộng 9m. Ngày 17/3/1905 cây cầu được khánh thành và cho thông xe. Năm 1946, trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, cây cầu đã bị phá hủy. Đến năm 1962, cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng lại. Cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Thanh Hóa, tính đến 15h ngày 11/9 thiên tai làm 2 người bị thương, 255 nhà bị tốc mái, ảnh hưởng do cây đổ, sạt lở đất, 144 nhà bị ngập nước, 2.706 ha lúa bị ngập, đổ, 09 điểm trường bị ảnh hưởng, một số công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng...
Để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện yêu cầu, tập trung cứu chữa miễn phí cho người bị thương. Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ phải đi sơ tán/di dời, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác và hộ đê theo quy định, nhất là các tuyến đê sông Mã, sông Bưởi, sông Lèn, sông Cầu Chày...