Khát vọng Việt Nam trong mùa xuân mới

10-02-2024 09:00 | Thời sự

SKĐS - Năm 2023, thế giới xảy ra nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó khăn chồng chất, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tình hình chính trị, an ninh, xã hội ổn định, đời sống người dân được đảm bảo.

Bước vào xuân mới, chúng ta tự hào và tin tưởng đất nước tiếp tục gặt hái nhiều thành công…

Bước ra từ đại dịch toàn cầu mang tên COVID - 19, Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh và trí tuệ, sớm ổn định kinh tế xã hội, từng bước khắc phục hậu quả dịch bệnh, tranh thủ thời cơ để phát triển. Dù năm 2023 đầy khó khăn, nhưng bức tranh Việt Nam lại có nhiều điểm sáng, cho chúng ta tràn đầy hy vọng khi bước vào Xuân mới.

Năm 2023, bám sát đường lối đối ngoại của Ðại hội XIII, phát huy thế và lực mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo Ðảng, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao đã diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Trong năm, chúng ta đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, đối tác quan trọng, 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden... Bên cạnh đó Việt Nam còn có hàng trăm các cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương quan trọng. Thành công của các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.

Khát vọng Việt Nam trong mùa xuân mới- Ảnh 1.

Đất nước vào Xuân. Ảnh: TL

Quan hệ đối ngoại song phương, đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia, khu vực chịu thiên tai, xung đột…

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, ngành ngoại giao và đối ngoại đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua. Ðối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Giữa lúc kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn vững vàng vượt khó và trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới.

Số liệu do Tổng cục thống kê công bố cuối tháng 12/2023, GDP của Việt Nam ước tính tăng 5,05%, xu hướng tăng trưởng tích cực. Sau 11 tháng, vốn FDI đăng ký đạt 28,85 tỷ USD (tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước); vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD (tăng 2,8%). Xuất khẩu hàng hóa đã có sự cải thiện trong nửa cuối năm với điểm sáng là xuất siêu hàng hóa đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD (tính đến tháng 12). Triển vọng của kinh tế Việt Nam đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam.

Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu ASEAN đối với EU.

Theo nhận định của ông Yasuhiro Nojima - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật, sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn và nếu xét về tiềm năng, theo ông, có thể nói Việt Nam là nước tỏa sáng nhất trong các nước ASEAN.

Còn với các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), khi nói về kinh tế Việt Nam năm 2023, họ đã mô tả bằng những từ ngữ như "kiên cường," "trụ vững" "sức chống chịu mạnh mẽ" trước những "cú sốc suy thoái" hay "cơn gió ngược," với động lực cho sự phục hồi là xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng tư nhân.

Cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế, đời sống nhân dân đã không ngừng được cải thiện. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo, tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia tham gia các chỉ số đánh giá về phát triển xã hội.

Trong năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với năm trước. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định. Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực...

Khát vọng Việt Nam trong mùa xuân mới- Ảnh 2.

Vẻ đẹp TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: ST

Trong bức tranh Việt Nam năm 2023, lĩnh vực Y tế cũng đóng góp những thành tựu đáng ghi nhận. Ðó là sự nỗ lực kiểm soát tốt đại dịch COVID- 19 và nhiều loại dịch bệnh khác. Sự kiện COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đã khẳng định thành công của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác phòng chống dịch. Việt Nam trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" trong phòng chống dịch bệnh này.

Cũng trong năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Nghị định số 07/2023/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NÐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng; Nghị quyết số 224/NQ-CP về việc bảo đảm kinh phí mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; Nghị định số 75/2023/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NÐ-CP, tháo gỡ vướng mắc về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… Những văn bản nêu trên đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực y tế, đảm bảo yêu cầu của công tác khám, điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tích cực cải tiến, áp dụng các công nghệ, quy trình, phương pháp khám, chữa bệnh mới nhất để mang lại giá trị tối ưu cho người bệnh. Năm qua, nhiều ca phẫu thuật và điều trị bệnh phức tạp đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Ðặc biệt, trong số bệnh nhân có nhiều người là người nước ngoài tìm đến Việt Nam chữa trị. Ðiều này khẳng định trình độ, uy tín của các y bác sĩ và sự phát triển vượt bậc của nền y học Việt Nam...

Với một mạng lưới y tế được bao phủ rộng khắp cả nước, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực không ngừng được tăng cường, thể chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, ngành y tế Việt Nam đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Nhìn lại năm 2023 có thể thấy, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam đã kiên trì, linh hoạt, sáng tạo, từng bước vượt qua trở ngại và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Một mùa Xuân mới đang về, với thế và lực mới, với sự chung sức, đồng lòng, mỗi người dân Việt đều có dự cảm tốt lành và tin tưởng vào những kỳ tích tiếp theo của dân tộc.


Mai Thanh
Ý kiến của bạn