Con người sinh ra mỗi người một số phận và số phận của những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối thật trớ trêu. Trên con đường tìm kiếm sự sống khát vọng sống ở họ lại trỗi dậy mãnh liệt.
Từ bệnh suy thận giai đoạn cuối…
Có thể nói những người không may bị suy thận đã thật đáng buồn mà lại suy thận ở giai đoạn cuối thì thật bất hạnh. Bởi khi bị suy thận giai đoạn cuối người bệnh đa phần phải điều trị bằng phương pháp lọc máu chu kỳ (chạy thận nhân tạo). Theo TS.BSCC.TTND Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai thì hiện nay lọc máu chu kỳ chiếm tới 70% số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được điều trị ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Chỉ có 15% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có đủ điều kiện để ghép thận. Ghép thận là phương pháp điều trị thay thế thận ưu việt nhất đối với người bệnh, đem lại cho họ một cuộc sống khá chất lượng sau ghép. Tuy nhiên cái khó ở phương pháp này là chi phí cho mỗi ca ghép thận khá tốn kém. Hiện một ca ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức có chi phí khoảng 300 trăm triệu đồng, sau đó người bệnh phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời, tiền thuốc chống thải ghép khoảng 12 – 15 triệu đồng/tháng.
Tiến sĩ Luận đang thăm khám cho bệnh nhân N. |
Hơn nữa nguồn thận cũng rất hiếm, hiện Việt Nam chưa có ngân hàng thận. Mặc dù chúng ta đã có Luật hiến mô tạng nhưng để áp dụng những điều luật này vào cuộc sống còn có nhiều điều bất cập. Mặt khác do phong tục tập quán của ta nên các mô tạng của những người chết não, những người bị tai nạn giao thông... vẫn chưa được tận dụng.
Một phương pháp điều trị thay thế thứ 3 cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối hiện nay là lọc màng bụng liên tục ngoại trú. Đây là phương pháp được người bệnh yêu thích vì điều trị tại nhà. Tuy nhiên, phương pháp này dễ nhiễm trùng, hiệu quả lọc chưa cao, nên kỹ thuật này chỉ được áp dụng ở khoảng 15% trong tổng số bệnh nhân cần lọc máu.
Hiện nay số bệnh nhân lọc máu chu kỳ cứ ngày càng gia tăng. Nhờ điều kiện kinh tế, máy móc, kỹ thuật, thuốc men tốt khiến bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận có thể kéo dài được tuổi thọ. Hiện khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai vẫn phải chạy 4 – 5 ca một ngày, tình trạng quá tải này đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Để giải quyết tình trạng này, theo TS. Luận cần phát triển kỹ thuật này tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Khi các bệnh viện tuyến tỉnh có đủ điều kiện chữa chạy thì bệnh nhân không phải lên tuyến trên, đỡ được nhiều chi phí đi lại, ăn ở rất tốn kém và bất tiện cho người bệnh và gia đình. Hơn nữa khi tuyến tỉnh phát triển sẽ thu dung bệnh nhân, lôi kéo người bệnh về điều trị, các kỹ thuật cao được áp dụng, tay nghề các bác sĩ được nâng lên, người bệnh được điều trị tốt sẽ thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân nhanh hơn.
Tuy đã được hưởng nhiều lợi ích từ những ưu việt của chế độ bảo hiểm y tế Việt Nam nhưng những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối vẫn còn nhiều nỗi niềm, cơ cực của người mắc bệnh trọng.
…đến những phận đời khánh kiệt
Đọc những tác phẩm viết về bệnh nhân thận nhân tạo “Khát vọng sống để yêu” của Nguyễn Hồng Công; “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” của Nguyễn Ngọc Trường Sơn, chúng ta mới thấy chỉ khi số phận mắc bệnh hiểm nghèo người ta mới thấy hết giá trị của những ngày còn được sống, biết trân trọng từng giây từng phút họ còn được ở trên cõi đời và khát vọng sống trong họ trỗi dậy hơn bao giờ hết.
Và hôm nay, chúng tôi gặp những bệnh nhân đang hàng ngày sống chung với bệnh tật gắn liền với bệnh viện, tuần lọc máu 3 lần, mỗi lần 4 giờ, rồi lại về nhà với cuộc sống đời thường. Chị N., 51 tuổi, Hải Phòng là người thuộc vào hàng có thâm niên chạy thận ở khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Cách đây 17 năm, khi ấy tôi 34 tuổi, hai vợ chồng và con gái nhỏ đang học lớp hai sống hạnh phúc trong căn nhà rộng rãi, khang trang thì tôi đổ bệnh.
Cả gia đình bán hết nhà cửa, chồng con theo tôi lên đây thuê nhà ở gần bệnh viện để chữa bệnh cho tôi. Ấy vậy tôi còn là người may mắn tuy mắc bệnh trọng nhưng chồng con không bỏ mà hết lòng lo chạy chữa cho tôi. Giờ đây tôi không sợ tử thần. Tôi quan niệm chết chỉ là chuyển cõi. Nhờ theo Phật pháp mà tâm của tôi rất an nên tôi có thể chiến thắng được bệnh tật”.
17 năm lọc máu chu kỳ, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày thường cũng như ngày lễ tết cứ tuần 3 lần chị N. lại đến Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu. Trông chị già hơn so với tuổi, da xạm lại vì thiếu máu, duy chỉ có ánh mắt và nụ cười vẫn thường trực trên môi. Chị tâm sự: “Kêu chẳng ai giúp, than phiền buồn chẳng ai chia sẻ với mình thì tội gì mình không vui.
Mỗi lần các bác sĩ đưa máy lọc vào đau như cắt da cắt thịt ấy nhưng tôi lại niệm Phật cho quên nỗi đau đi”. Không chỉ mình chị theo đuổi Phật pháp mà chị còn lấy nhà của mình là nơi cầu nguyện cho hơn 40 người cũng cùng cảnh ngộ như chị, giúp cho những người bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo... sống có ích, và chiến thắng bệnh tật.
Anh Nguyễn Văn L, 28 tuổi (Hải Hậu, Nam Định) đã chạy thận cách đây 10 năm, bố mẹ anh làm nghề nông, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tích cóp được một ít tưởng dành dụm để cho con đi học nào ngờ. Anh đổ bệnh, tất cả những gì có giá trị, có thể bán lấy tiền bố mẹ anh đều bán sạch, với mong muốn gửi lên cho con để chữa bệnh.
Thương bố mẹ, anh đã sắm một bộ đồ nghề phù hợp với sức mình, mùa đông đánh giày, mùa hè bán kem, ngày nào khá khẩm anh cũng kiếm được từ 50 - 70 ngàn đồng. Có những hôm không may chưa đánh được đôi giày nào, chưa bán được que kem nào thì đồ nghề bị bắt, tay trắng ra về. Chúng tôi nghe lòng như thắt lại, cuộc sống của họ thật khốn khó. Vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa vật lộn với cuộc sống để mưu sinh giành lại sự sống cho mình.
Cũng là người có thâm niên chạy thận ở đây, anh Mai Anh T., Hà Tây tuy mới 37 tuổi nhưng cũng đã có 17 năm chạy thận. Anh tâm sự: Năm 20 tuổi đang làm tăng ca cho Tổng công ty Sông Đà, khi đó tôi đang làm đường cao tốc sau một đêm ngủ cạnh máy, sáng dậy thấy mặt nặng nặng, mắt hơi mờ mờ, dần dần thấy mặt phù lên.
Tôi lên Bệnh viện quân đội khám thì phát hiện bị viêm cầu thận, sau đó tôi bị suy thận giai đoạn cuối. Em trai tôi cũng bị suy thận giai đoạn cuối, chạy thận gần 10 năm thì mất. Bố tôi là bộ đội bị nhiễm chất độc da cam cũng bị suy thận phải chạy thận một năm thì mất. Các chị bảo nhà có một người phải chạy thận đã khánh kiệt.
Đây nhà tôi lại có 3 người bị nên mọi của cải đều sạch bách”. Khi hỏi về chi phí chữa bệnh anh T, cho biết: “Gia đình tôi có 2 loại thẻ, thẻ dành cho người nghèo và thẻ chất độc da cam. Do chính sách nên mỗi người chỉ được hưởng quyền lợi 1 thẻ, chúng tôi đã dùng thẻ dành cho người nghèo. Hiện nay vợ tôi cũng rất vất vả một mình làm nuôi 3 miệng ăn cộng thêm gánh nặng chi phí bệnh tật của tôi nữa. Thương vợ hôm nào sức khoẻ ổn một chút đi xe vững, tôi cũng cố mang chiếc xe ra trước cổng bệnh viện đứng đó ai thuê thì chở đi”.
Tâm sự về cuộc sống riêng tư anh T mắt sáng ngời vẻ hạnh phúc: “tôi may mắn có cô bạn học cùng cấp 3 thương quyết tâm lấy dù biết tôi mắc bệnh thận. Vợ tôi bảo đã thương nhau thì dù sống với nhau một ngày cũng vẫn là sống. Năm 2003 chúng tôi có một cháu trai, hiện cháu đang học ở Trường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cháu 2 năm liền là học sinh giỏi nên được học bổng của báo Sài gòn tiếp thị...” và câu chuyện mà anh T. kể đẹp như chuyện cổ tích giữa ban ngày của bệnh nhân chạy thận.
Thay lời kết
Chia tay với xóm “chạy thận”, chúng tôi ai nấy đều có chung một nỗi buồn bởi những cảnh đời, những số phận không may mắc bệnh trọng nhưng cũng thầm phục họ bởi dù mắc bệnh trọng, dù biết mình có thể chết bất cứ lúc nào, dù phải chịu nhiều đau đớn do bệnh tật hành hạ, thiếu thốn trong đời sống vật chất nhưng trong tâm hồn những con người ấy, số phận ấy đều sáng mãi khát vọng sống, khát vọng yêu thương và sống có ích đến hơi thở cuối cùng.
Hải Anh