Với logo hình con chim hạc được cách điệu, có ba màu: màu nâu cổ kính ngàn năm văn hiến, màu cam là màu bình minh chân trời, màu vàng thể hiện sự thịnh vượng, phát triển và slogan “Điện ảnh châu Á- Thái Bình Dương thống nhất và phát triển”, Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội 2012 (Haniff), tham vọng vươn tới một “thương hiệu” quốc tế uy tín trong tương lai. Nhưng đường còn dài và nhiều thách thức không đơn giản với một nền điện ảnh Việt Nam hiện tại.
Đại tiệc phim với nhiều hương vị quen - lạ
Có lẽ đây là lần đầu tiên một LHP quốc tế ở Việt Nam có nhiều phim nước ngoài tham dự nhất, trong đó có nhiều nền điện ảnh còn khá xa lạ và bí ẩn với công chúng điện ảnh Việt Nam như: Jordani, Srilanka, Banglades, Maroc, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Tajikistan... Đặc biệt, trong Haniff 2012, phim nước ngoài tham dự đều rất có chất lượng. Trong số 14 phim dự thi, có 2 phim được chú ý nhất. Lal Gece (Night of silence - Đêm của im lặng), đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Reis Celik, đã đoạt giải Crystal Bear tại LHP Berlin 2012 và Giải Asian Film Award tại LHP Tokyo 2012. Hatred của nhà làm phim Iran sinh năm 1981 Reza Dormishian, đã nhận được 2 đề cử Golden Zenith tại LHP Montréal 2012 và Grand Prix tại LHP Warsow năm 2012. Ngoài hai phim trên, 10 phim nước ngoài được chọn dự thi khác mang đến Haniff 2012 những hương vị lạ như những khám phá mới mẻ, thú vị và đa dạng.
NSƯT Thành Lộc, diễn viên Minh Hằng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Haniff 2012 đã thật sự tạo dấu ấn thú vị bởi đã giới thiệu trong “Điện ảnh toàn cảnh thế giới” 15 phim xuất sắc của các quốc gia có nền điện ảnh hùng mạnh. Đặc biệt ở Haniff 2012, điện ảnh Việt Nam ra quân khá rầm rộ, ngoài 2 phim truyện dự thi là Đam mê - đạo diễn Phi Tiến Sơn, Thiên mệnh anh hùng - đạo diễn Victor Vũ, phim chiếu khai mạc mới toanh Cát nóng - đạo diễn Lê Hoàng, còn trình chiếu hơn 30 phim truyện Việt Nam trong các chương trình: Phim Việt Nam về đề tài Hà Nội; Phim Việt Nam thời kỳ đổi mới và Phim Việt Nam đương đại (2010-2012). Thêm một sự mới lạ của riêng Haniff: một chùm phim giám khảo (mỗi giám khảo phim truyện chọn 1 phim) cũng được chọn chiếu mang cảm nhận khác lạ: Bye Bye America (Tạm biệt nước Mỹ), Modest Reception (Sự đón nhận khiêm tốn), Soegija, Whale rider (Người cưỡi cá voi) và Ngọc Viễn Đông.
Haniff 2012 không chỉ có phim
Độc đáo và chưa từng có ở bất kỳ LHP quốc tế nào là trại sáng tác Haniff. Redbridge, một đối tác của Haniff đã có sáng kiến này và được giao phụ trách dưới sự điều hành của bà Thục Vân, phu nhân TS. Michael Di Gregorio, nguyên Giám đốc Quỹ Ford (đơn vị từng tài trợ nhiều năm cho dự án Chúng ta làm phim của Trung tâm TPD). 30 nhà làm phim trẻ trong đó Việt Nam chiếm 24 người, tham gia trại sáng tác... Bên cạnh đó còn có Tọa đàm - Hội thảo Trại sáng tác trẻ Haniff - một sự kiện mang tính chuyên nghiệp dành cho các nhà làm phim, các bạn sinh viên và công chúng yêu điện ảnh cùng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thảo luận về những trào lưu phát triển mới của nền điện ảnh thế giới.
Hai cuộc hội thảo quốc tế cũng được tổ chức trong Haniff 2012 là “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” và “Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời đại công nghệ số” với khá nhiều ý kiến của các nhà làm phim nước ngoài, rất đáng chú ý đối với các nhà làm phim Việt Nam. Ba vấn đề đặt ra trong hội thảo là “Khái quát về điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới”, “Điện ảnh Việt Nam mở rộng xã hội hóa và hội nhập quốc tế” và “Kinh nghiệm phát triển điện ảnh một số nước”, Haniff 2012 tập trung vào điện ảnh Việt Nam đổi mới, vì thế giới ít biết đến phim Việt Nam thời kỳ này mà gần như chỉ biết đến phim về chiến tranh Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Ðiện ảnh Việt Nam chia sẻ: “60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam đủ để sàng lọc ra những tên phim mà cả chúng ta hay bạn bè quốc tế nhớ được. Nhưng không thể cứ nhắc mãi những gì đã qua. Cái gì đang sống và sắp sống còn quan trọng hơn rất nhiều”. “Tôi đã xem nhiều phim cũ của Việt Nam, tôi nghĩ vẻ đẹp và sự nên thơ là thế mạnh của Việt Nam. Nhưng điều đó lại thiếu trong những bộ phim hiện nay. Các bạn đang đi theo mô hình Hàn Quốc, Hollywood nhưng đó chưa chắc là con đường đúng đắn”, bà Chalida Uabumrungjit - Giám đốc LHP ngắn và video Thái Lan chia sẻ. Còn một đại diện từ UniFrance (Tổ chức Xúc tiến điện ảnh Pháp): “Muốn thúc đẩy nền điện ảnh thì các bạn phải tìm cách xuất khẩu phim Việt Nam ra nước ngoài. Bản thân nhiều nghệ sĩ Pháp cũng đang đến LHP để lựa chọn các phim Việt Nam tham gia vào Mùa văn hóa Việt Nam tại Pháp năm 2013.
Đường tới chuyên nghiệp còn xa lắm
Khi đổi tên LHP quốc tế thành Haniff, những người tổ chức mang khát vọng Haniff sẽ sánh vai với những LHP quốc tế danh tiếng trong khu vực như: LHP Tokyo, LHP Bangkok, LHP Pusan, LHP Thượng Hải... và tham vọng cao hơn có thể tiến tới ngang với những LHP quốc tế hạng A như LHP Cannes, LHP Venice, LHP Toronto, LHP Bafta, LHP Berlin... Nhưng đó vẫn là ước mơ lên “sao” của Haniff, bởi muốn đạt được điều đó, ít nhất Haniff phải được tổ chức một cách chuyên nghiệp.
Chuyên nghiệp trước hết là phải có một cơ quan chuyên trách chỉ để điều hành, quản lý, tổ chức LHP. Và nhân sự của cơ quan này không thể chỉ là quan chức quản lý văn hóa kiêm nhiệm mà là những người thật sự có hiểu biết, có kiến thức về những gì liên quan đến một LHP chuẩn như các LHP quốc tế uy tín, danh giá. Chuyên nghiệp là không phải đợi đến khi sắp sửa diễn ra sự kiện, còn cách vài tháng mới kêu gọi, mời, liên hệ đối tác, lên chương trình... mà là phải chuẩn bị cho một LHP mới khi LHP hiện tại đang diễn ra; còn là việc phải xây dựng một kịch bản chuẩn cho những sự kiện như thảm đỏ, lễ khai mạc, bế mạc, chứ không phải chỉ tùy theo tình hình tài chính, khả năng mời đạo diễn mà mỗi kịch bản của mỗi LHP lại khác nhau, càng ngày càng có vẻ giản đơn đến thành sơ sài.
Để có được uy tín và thu hút không chỉ khách trong nước đến với Haniff, không chỉ mời những người bạn có tình cảm với Việt Nam, mà nên có kế hoạch mời các “sao” của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới như những LHP quốc tế khác thường làm. Hơn nữa, để thật sự có uy tín, có danh, Haniff còn phải biết mời những cây viết phê bình lý luận về điện ảnh của các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới, những nhà báo chuyên viết về điện ảnh của các tạp chí nghệ thuật, tạp chí điện ảnh quốc tế nổi tiếng...
Không thể không ước mơ. Những gì Haniff 2012 đã làm được cũng là một dấu hiệu bước đầu chập chững để tạo nên những bước vững chãi, dẫn đến sự chuyên nghiệp, để Haniff sẽ thật sự là một LHP quốc tế có tên trong bản đồ địa chỉ LHP quốc tế nghệ thuật thứ bảy của thế giới.
Hoài Hương