Tôi năm nay 45 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc các bệnh mạn tính. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi thường xuyên cảm thấy khát nước, uống rất nhiều nhưng không hết khát. Tôi rất lo lắng. Xin quý báo tư vấn giúp, khát nước nhiều có phải là bệnh?
Tô Văn Thái (Nghệ An)
Nước rất cần thiết cho cơ thể, trung bình một người trưởng thành cần bổ sung 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Những người phải lao động nặng, đi nương, rẫy, mồ hôi bài tiết nhiều cần uống nhiều nước. Tuy nhiên khi uống nên uống từ từ từng ít một vì nếu đưa một lượng nước lớn vào cơ thể thì dạ dày sẽ không hấp thụ và chuyển hóa ngay được. Nước dễ bị tích tụ trong dạ dày và đường ruột gây cảm giác khó chịu, buồn nôn và ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và có hại cho tim.
Đặc biệt, những người luyện tập thể thao, hoạt động mạnh thì cần có chế độ uống nước riêng. Chẳng hạn với một vận động viên bóng đá cần uống tối thiểu 1,5l nước để bù lại cho mỗi kg cân nặng cơ thể bị sụt mất so với trước khi tập.
Khi bị khát nước nhiều và kéo dài, bạn nên đi khám chuyên khoa để tìm đúng nguyên nhân gây khát. Đừng chủ quan, vì nếu đó là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm như thận bị tổn thương, đái tháo đường, cường chức năng tuyến giáp, nhiễm trùng huyết… mà không được điều trị sớm hậu quả sẽ khó lường.
Cần đến khám tại các cơ sở y tế khi có một trong những dấu hiệu sau:
Tiểu nhiều: đi tiểu hơn 3 lít/ngày với người lớn (và hơn 2 lít/ngày với trẻ em); Khát quá nhiều và liên tục không giải thích được; Khát tăng được đi kèm với các triệu chứng khác như thị lực mờ, mệt mỏi, sụt cân...
Ngoài việc khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu và nước tiểu để chẩn đoán chính xác bệnh.
Bác sĩ Quốc Thái