Hà Nội là địa phương có làng nghề nhiều nhất cả nước, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề thời gian gần đây ngày một gia tăng, có nơi ở mức đáng báo động, gây ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố. Việc mới đây Hà Nội vừa khánh thành Dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức được cho là lớn nhất cả nước liệu có kiểm soát được tình trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay?
Quyết tâm lớn trong công tác xử lý môi trường tại các làng nghề
Với công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm, tổng số vốn đầu tư là 330 tỷ đồng, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với các dây chuyền thiết bị tự động hóa nhập khẩu từ châu Âu do Công ty CP Đầu tư XD&TM Phú Điền đầu tư. Đây cũng là công trình sử dụng pin năng lượng mặt trời để phát điện hoạt động đầu tiên của Hà Nội. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà sẽ trở thành nhà máy xử lý nước thải làng nghề lớn nhất cả nước. Thực hiện thu gom và xử lý nước thải khu vực làng nghề Cầu Ngà, cải thiện chất lượng nước thải và mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dân địa phương nói riêng và người dân Thủ đô nói chung.
Ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, Văn Lâm, Hưng Yên.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, 272 làng được UBND thành phố cấp bằng công nhận làng nghề, trong đó có 198 làng nghề truyền thống. Đóng góp tích cực vào bức tranh kinh tế đa sắc của Thủ đô cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ở địa phương. Với năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư, nhà máy sẽ phát huy được tối đa hiệu quả công nghệ, xử lý triệt để nước thải làng nghề, tái sử dụng nguồn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, phát triển bền vững các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức, tạo cảnh quan sinh thái đô thị, phát triển bền vững.
Ông Chung cho biết thêm, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, trong thời gian vừa qua, Hà Nội khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận tiện cho các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa và kết hợp “công tư” trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề; tăng cường các biện pháp quản lý môi trường làng nghề; quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở cho việc di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm trong làng nghề tới các cụm công nghiệp tập trung. Việc khánh thành Nhà máy xử lý rác thải Cầu Ngà là một trong những việc thể hiện sự quyết tâm của Hà Nội trong việc cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô.
Liệu có kiểm soát được ô nhiễm?
Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT đánh giá: ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn đang là vấn đề bức xúc, đã và đang đe dọa đến đời sống và sức khỏe người dân. Nước thải sinh hoạt không qua xử lý xả thẳng vào các lưu vực sông, ao, hồ dẫn đến những dòng sông chết và những ao, hồ bị bức tử. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh nhưng chưa có giải pháp đồng bộ về xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Việc đưa nhà máy vào hoạt động góp phần tích cực trong xử lý ô nhiễm, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang báo động tình trạng ô nhiễm không khí, chất thải, nước thải. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong áp dụng các mô hình, đưa công nghệ tiên tiến áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, từ nhà máy này sẽ làm mô hình điểm cho các địa phương, doanh nghiệp khác tham quan học hỏi.
Câu hỏi đặt ra là liệu sau khi nhà máy xử lý nước thải này đi vào hoạt động, Hà Nội có giải quyết được tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng làng nghề kéo dài trong suốt thời gian qua hay không? Mặc dù sự phát triển của các làng nghề đã giải quyết việc làm cho gần 740 nghìn lao động, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề thời gian gần đây ngày một gia tăng, có nơi ở mức báo động, gây ảnh hưởng đến đời sống của cả cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố.
Được biết, để kiểm soát và làm tốt công tác bảo vệ môi trường như quyết tâm của lãnh đạo TP. Hà Nội đề ra. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao Sở TN&MT căn cứ danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện biện pháp khắc phục, không để phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Đối với cơ sở cố tình không thực hiện hoặc kéo dài tiến độ khắc phục, kiên quyết xử lý và công bố danh sách cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. UBND TP. Hà Nội cũng thống nhất với đề xuất của Sở Công Thương về việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại 12 cụm công nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đã được UBND thành phố phê duyệt. Hy vọng trong thời gian tới, với quyết tâm cao của tập thể Ban Thường vụ Hà Nội sẽ sớm giải quyết cơ bản mức độ ô nhiễm làng nghề của Thủ đô, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.