Chúng ta đã vượt nắng - thắng mưa, thắng đại dịch để hoàn thành nhiệm vụ
Sáng nay (29/4), hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây chính thức khánh thành, đưa vào khai thác.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Hôm nay chúng ta vui mừng tổ chức lễ khánh thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Mai Sơn - quốc lộ 45. Đây là những đoạn cao tốc quan trọng, rút ngắn thời gian đi lại và đảm bảo an toàn. Hai đầu cầu của đất nước là TP.HCM và Hà Nội đã tiến sát về miền Trung. Việc khai thác những tuyến cao tốc này ý nghĩa hơn khi dịp lễ nhân dân đi lại nhiều. Khi phát triển và làm tốt được hạ tầng giao thông sẽ tạo ra không gian mới, khu công nghiệp mới, khu đô thị mới".
Thủ tướng đánh giá, 20 năm qua chúng ta vừa học vừa làm. Trong 5 năm gần đây phải hoàn thành gấp đôi 20 năm trước. Khối lượng công việc gấp 4 lần 20 năm trước. Đây là nhiệm vụ hết sức thách thức, rất nặng nề, yêu cầu mục tiêu đặt ra rất lớn.
Hành lang vận tải Bắc Nam mang tính quyết định đến phát triển kinh tế nhanh và bền vững của nước ta, là trục xuyên suốt, rất quan trọng, từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các vấn đề hạ tầng này để có một tuyến đường cao tốc xuyên suốt Bắc Nam, từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau.
Ngoài ra, các tuyến cao tốc ở những vị trí khác cũng đang triển khai như các tuyến Đông Tây. Trong nhiệm kỳ này đang triển khai một loạt dự án như thế để phấn đấu đến năm 2025 có 3.000km cao tốc.
Việc phát triển hạ tầng đang làm rất quyết liệt bằng các hình thức hợp tác công tư và đầu tư công. Ngoài cao tốc còn có hệ thống sân bay, đường sắt nhanh, đường thủy nội địa, cảng biển…
Vì vậy yêu cầu đặt ra rất lớn, phải quyết tâm, nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Bên cạnh đó phải biết cách huy động nguồn lực.
"Hai dự án này đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, từ đó có thể thấy chúng ta đã vượt nắng - thắng mưa, thắng đại dịch, vượt lên chính mình, vượt qua bão giá… để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Kinh nghiệm vừa qua cho chúng ta thấy khó đến đâu phải giải quyết ở đó. Vướng mắc cấp nào thì cấp đó giải quyết, không né tránh đùn đẩy. Khó mấy chúng ta cũng giải quyết được", Thủ tướng yêu cầu.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao các đơn vị, không quản ngày đêm, thực hiện nghiêm các cam kết để đưa dự án vào hoàn thành.
Thủ tướng đánh giá cao các bộ ngành, địa phương phối hợp và hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải và cảm ơn bà con trong vùng dự án nhường đất, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công.
Động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận là tỉnh có vị trí kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành cũng là cơ hội để tỉnh Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân.
"Việc có cao tốc, kết nối với cảng biển, sân bay và các dịch vụ logistics là thuận lợi lớn", ông Dũng nói và bày tỏ tin tưởng đây sẽ là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt hai địa phương có tuyến cao tốc đi qua, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài gần 99km gồm 3 dự án thành phần. Riêng dự án Mai Sơn - QL.45 dài 63,37 km, qua địa phận tỉnh Thanh Hóa 49,02km và qua địa phận tỉnh Ninh Bình 14,35 km.
Đây là dự án có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh có tuyến đường đi qua nói riêng.
Tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Ninh Bình đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thông qua các nút giao liên thông, kết nối tỉnh Thanh Hóa với các Trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội trên cả nước.
Để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên nguồn lực, bố trí 7.512 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư một số dự án lớn quy mô từ 4 - 8 làn xe kết nối các tuyến đường trọng điểm của địa phương với dự án cao tốc thông qua các nút giao, như tuyến nối QL1A nối QL45 và nút giao cao tốc Thiệu Giang; tuyến TP Thanh Hoá với CHK Thọ Xuân và nút giao Đồng Thắng; Nút giao Vạn Thiện với Vườn Quốc gia Bến En; tuyến nối cao tốc với QL1A đi Cảng Nghi Sơn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Giai đoạn 2021-2025, đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ngành GTVT được Quốc hội, Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2050, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.