Khánh Hoà: Vì sao bệnh nhân tử vong ngay sau chụp CT ?

20-02-2019 13:30 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Liên quan đến thông tin gần đây về trường hợp bệnh nhân tử vong sau khi vào phòng chụp CT. Hội đồng chuyên môn BVĐK tỉnh Khánh Hoà đã họp và đưa ra kết luận bước đầu bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ thuốc cản quan cấp độ nặng trên nền bệnh viêm tuỵ cấp.

Trước đó, theo phản ánh của ông H.A.T và bố vợ của bệnh nhân N.H.S (bệnh nhân tử vong –pv), cho biết, vào sáng 6-2 (tức mùng 2 Tết), anh S bị đau bụng, gia đình đưa đến cấp cứu tại BVĐK tỉnh Khánh Hoà. Tại đây, anh S được chẩn đoán là viêm tụy, được theo dõi và điều trị sau đó được chuyển lên phòng 6, tầng 6 để điều trị tiếp. Sau 2 ngày được điều trị, gia đình thấy BN sức khỏe khá hơn nhiều. Tuy nhiên, đến tối 8-2, anh S nói đau bụng, khó thở, gia đình báo cho y, bác sĩ về tình trạng trên. Tuy nhiên y bác sĩ tỏ ra khó chịu, đồng thời bảo người nhà lấy thuốc cho BN uống. Sau đó, bác sĩ có tới khám và cho chụp CT. Tại phòng chụp CT, bác sĩ yêu cầu người nhà ký vào giấy nhưng theo người nhà nói là không biết giấy gì. Sau đó đưa bệnh nhân đưa vào phòng chụp. 5 phút sau khi đưa BN ra ngoài, gia đình phát hiện người bầm đen, hấp hối không nói được lời nào. Sau đó, y, bác sĩ đẩy bệnh nhân  vào phòng hồi sức, khóa cửa lại không cho người nhà vào. Người nhà phải phá cửa vào thì phát hiện bệnh nhân đã tử vong.

Nhằm làm rõ thông tin trên Bs. Trần Bảo Anh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, người phát ngôn BVĐK tỉnh cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 6/2  trong tình trạng đau thượng vị, nôn ói và được các bác sĩ thăm khám, theo dõi đầy đủ và được chỉ định làm các xét nghiệm.  Khoảng 22 giờ, ngày 8-2,  bệnh nhân có dấu hiệu đau, chướng căng bụng và được 2 bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện cận lâm sàng chụp CT để xác định rõ hơn tình trạng diễn tiến của bệnh. Sau đó, bệnh nhân được chuyển xuống khoa Chẩn đoán hình ảnh. Tại đây, sau khi giải thích và cho người nhà ký giấy cam đoan, kỹ thuật viên của khoa tiến hành bơm thuốc cản quang để thực hiện kỹ thuật chụp CT bụng cho BN.

Khi chụp hết tĩnh mạch (thời gian khoảng 1 phút) thì BN có dấu hiệu tím tái. Kỹ thuật viên tên Toàn ngừng chụp và kiểm tra, gọi hỏi BN không trả lời, sùi bọt mép và đại tiện không tự chủ trên bàn chụp. Kỹ thuật viên phối hợp với một điều dưỡng xử trí tiêm 1 ống adrenalin pha nước cất 9ml vào tĩnh mạch 1ml x 3 lần, ép tim, bóp bóng có mask để cấp cứu, thấy BN không có chuyển biến nên chuyển BN ra Khoa Cấp cứu để cấp cứu nâng cao. Sau khoảng 10 phút cấp cứu, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc để cấp cứu tiếp. Tuy nhiên, mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân tử vong vào lúc 24 giờ cùng ngày.
Sau khi xảy ra vụ việc, bệnh viện đã tiến hành kiểm thảo tử vong và ngày 18-2, thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá sự việc. Kết luận của hội đồng chỉ ra nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là choáng phản vệ thuốc cản quang cấp độ 4 (cấp độ nặng) trên nền bệnh viêm tụy cấp.

Theo y văn, tỷ lệ sốc này chiếm từ 0,4 - 1,2%. Trong 10 năm trở lạị đây, đây là trường hợp đầu tiên bệnh viện gặp phải. Bs. Bảo Anh cũng cho biết, về công tác tiếp nhận, chăm sóc BN được điều trị kịp thời, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Được biết, ngày hôm nay 20/2, đại diện BVĐK tỉnh Khánh Hoà đã làm việc và giải thích với gia đình nạn nhân, gia đình đã hiểu và nói sẽ rút đơn kiện.


Thiên Đức
Ý kiến của bạn