Khánh Hòa triển khai 'Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ'

21-11-2023 09:25 | Xã hội
google news

SKĐS - Thực hiện Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân trong Chương trình MTQG 1719, tỉnh Khánh Hòa lên kế hoạch triển khai 'Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ'.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn 2021 - 2025 về y tế, có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Mục tiêu của chương trình là tăng cường phổ biến kiến thức và thực hành trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; tăng cường việc khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế cho phụ nữ trước, trong và sau khi sinh con; hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi; tăng cường dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ và trẻ em suy dinh dưỡng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khánh Hòa triển khai 'Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ'- Ảnh 1.

Tư vấn cho bà mẹ cách chăm sóc trẻ tại Trung tâm y tế huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, chỉ tiêu đến năm 2025 là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống dưới 15%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%. Để đạt được chỉ tiêu này, ngành y tế tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, trong đó có xây dựng mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho mẹ và trẻ tại một số xã, thị trấn của huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Cam Lâm. Mô hình có 2 nội dung là thành lập phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại trạm y tế xã và xây dựng nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở những thôn khó khăn.

Để mô hình đạt hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đề nghị cần có sự chỉ đạo của UBND xã, sự tham gia của nhân viên trạm y tế, các trưởng thôn, nhân viên y tế thôn, cán bộ phụ nữ xã, thôn. UBND xã ban hành quyết định thành lập mô hình với sự tham gia của các ngành, đoàn thể liên quan, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, tổ chức họp phổ biến cho các ban, ngành và cộng đồng biết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tập huấn cho tuyến huyện, các trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản, cán bộ phụ nữ và trưởng thôn về kiến thức và kỹ năng thực hiện mô hình. Các trạm y tế sẽ thiết kế phòng tư vấn dinh dưỡng, có các tài liệu như: Tờ rơi, sổ khám sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, tài liệu truyền thông, cân, thước đo vòng cánh tay, dụng cụ thực hành dinh dưỡng để phục vụ công tác tư vấn, chăm sóc hướng dẫn cho bà mẹ trên địa bàn.

Trạm y tế tổ chức khám sàng lọc, cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chế độ ăn của bà mẹ mang thai 3 lần/thai kỳ/người, khám sức khỏe cho trẻ dưới 2 tuổi 3 tháng/lần, thực hiện bổ sung vi chất cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi.

Các nội dung tư vấn dinh dưỡng sẽ tập trung vào 2 giai đoạn: Giai đoạn trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ cung cấp cho mẹ về kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ; giúp mẹ duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ được 5 - 6 tháng; hỗ trợ tích cực cho mẹ trong việc cho con bú bữa đầu tiên sau sinh; kiến thức cơ bản về ăn bổ sung hợp lý khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Khi trẻ được 6 - 24 tháng, hỗ trợ cho mẹ việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ và ăn dặm bổ sung hợp lý.

Song song đó, các xã cần xây dựng các nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ, như: Nhóm các bà mẹ, ông bố, thành viên các gia đình sống cùng một thôn; nhóm các bà mẹ mang thai 3 tháng cuối hoặc trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi... Các nhóm sẽ gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các chủ đề như: Thực hành việc cho trẻ bú; cho trẻ ăn bổ sung; chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bệnh... Các buổi họp nhóm chỉ giới thiệu một chủ đề để mọi thành viên có thể hiểu, nhớ và thực hiện thay đổi hành vi nuôi dưỡng và chăm sóc cho trẻ tại nhà.

Gia Lai thực hiện nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số theo Chương trình MTQG 1719Gia Lai thực hiện nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số theo Chương trình MTQG 1719

SKĐS - Thực hiện Dự án 7, Chương trình MTQG 1719, tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng tới chăm sóc dinh dưỡng thông qua can thiệp trực tiếp từ khi bà mẹ mang thai, nuôi con trong 1.000 ngày đầu đời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đào tạo cô đỡ thôn bản - Khó khăn và thách thức.



PV
Ý kiến của bạn