Hà Nội

Khánh Hòa: Nỗ lực phòng chống HIV/AIDS

12-09-2017 14:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa, tính đến 30/6/2017, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là 3.474 trường hợp, trong đó có 2.038 trường hợp đã được quản lý tại các địa phương trong tỉnh, 890 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống.

Giảm số ca mắc HIV/AIDS

Theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa, tính đến 30/6/2017, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là 3.474 trường hợp, trong đó có 2.038 trường hợp đã được quản lý tại các địa phương trong tỉnh, 890 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống. So với trước, đây là một địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) về số ca mắc HIV/AIDS, thuộc 10 tỉnh trọng điểm dịch HIV/AIDS, thì nay Khánh Hòa đã trở thành một tỉnh có số mắc HIV/AIDS trung bình.

BS. Trần Văn Tin, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa cho hay, Thành phố Nha Trang là nơi có số người nhiễm cao nhất vẫn là với 1.284 người (chiếm 64,5%).

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù số nhiễm mới HIV giảm, số tử vong mới giảm nhưng công tác phòng chống HIV/AIDS ở Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn. BS. Lâm Quang Chứng, Phó giám đốc Sở y tế Khánh Hòa cho biết, số ca nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng tăng ở nhóm MSM, người có quan hệ tình dục với nhiều người, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV nếu biện pháp can thiệp kém hiệu quả.

Tư vấn HIV/AIDS tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa.

Theo báo cáo của nhân viên tiếp cận cộng đồng tổng hợp hàng năm cho thấy địa phương này có từ 3500 – 4000 người có xu hướng mại dâm, nhóm đồng giới nam (MSM)  có lúc lên tới 4000 người. Trước đây, HIV/AIDS lây truyền chủ yếu qua tiêm chích ma tuý, nhưng thống kê hiện nay cho thấy, 70% là lây truyền qua đường tình dục. Phát hiện ngày càng nhiều nhiễm mới HIV trong nhóm MSM, vợ/chồng/bạn tình, người có nguy cơ thấp.

BS. Trần Văn Tin chia sẻ, hiện nay nguồn kinh phí từ tài trợ quốc tế cắt giảm trên 90%, kinh phí Trung ương chưa được cấp, kinh phí địa phương hạn hẹp…tác động bất lợi đến việc triển khai các hoạt động và duy trì thành quả của chương trình. Bên cạnh đó sự kỳ thị và tự kỳ thị vẫn còn là thách thức lớn khiến người nhiễm HIV không tiếp cận được, người có nguy cơ cao không tiếp cận được với dịch vụ dự phòng. Vẫn còn nhiều người thiếu thông tin, chủ quan với HIV và bỏ trị... Đây là nguyên nhân làm dịch HIV vẫn còn tiềm ẩn, dai dẳng.

Ngoài ra, nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS còn mỏng. “Nhiều cán bộ của trung tâm xin chuyển công tác. 5 năm trở lại đây, chúng tôi xin thêm người mà không được. Hiện nay cả trung tâm chỉ có 2 bác sĩ điều trị, tôi và 1 bác sĩ nữa”, BS. Trần Văn Tin cho biết. “Trong khi đó, Trung tâm hiện đang điều trị Methadon cho 350 người và gần 100 bệnh nhân AIDS bằng thuốc ARV”.

Hiện bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT còn thấp, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, trong khi đó chưa có hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT  từ các cấp, ngành; công tác kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS do BHYT chi trả tại một số đơn vị chưa hoàn thành… ảnh hưởng đến việc khám, điều trị BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS

Mặc dù vậy, trong thời gian tới, ngành y tế Khánh Hòa vẫn tiếp tục đẩy mạnh rà soát, quản lý, hỗ trợ can thiệp các nhóm đối tượng: sử dụng ma túy, mua bán dâm, dân di biến động, người nhiễm HIV/AIDS; củng cố, duy trì hiệu quả mô hình phối hợp hỗ trợ, can thiệp giữa y tế với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị chức năng tại địa phương...

Đặc biệt, công tác huy động nguồn lực sẽ được ngành y tế của tỉnh đẩy mạnh thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (tỉnh/huyện/xã). Bên cạnh đó là việc triển khai chi trả dịch vụ từ bảo hiểm y tế và tự chi trả một phần của người sử dụng dịch vụ, tiếp tục mời gọi hỗ trợ của dự án trong nước và quốc tế... Sắp tới, kế hoạch mua thẻ BHYT cho người nhiễm trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn