Khánh Hòa: Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm

22-03-2022 21:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Khánh Hòa thông tin, mới thống kê đến hết tháng 2/2022 toàn tỉnh Khánh Hòa có đến 1.473 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn.

Nợ bảo hiểm chồng chất

Một số lao động ở TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) trăn trở cho biết: Doanh nghiệp đã nhiều tháng thậm chí hàng năm trời không đoái hoài gì đến việc đóng các khoản bảo hiểm chính đáng theo quy định của Nhà nước nên rất lo lắng.

Bà Võ Mỹ N (Nha Trang) đã 5 tháng không được doanh nghiệp đóng các khoản bảo hiểm cũng chia sẻ: Tham gia các khoản bảo hiểm là quyền của lao động. Tuy nhiên viện dẫn đủ lý do doanh nghiệp không chịu đóng dù BHXH Khánh Hòa đã nhiều lần nhắc nhở, đốc thúc. Dù có ảnh hưởng của đại dịch nhưng lao động vẫn bám trụ sản xuất. Bởi vậy nên mong muốn các doanh nghiệp quan tâm nộp các khoản bảo hiểm đầy đủ.

Khánh Hòa: Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm đầm đìa - Ảnh 2.

Được đóng bảo hiểm là quyền lợi chính đáng của lao động

BHXH Khánh Hòa cho biết, chốt đến hết tháng 2 tổng số tiền các khoản bảo hiểm mà doanh nghiệp, đơn vị nợ là 196.915 triệu đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước nợ 34.631 triệu đồng. Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 109.171 triệu đồng. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 19.301 triệu đồng. Khối khác (đơn vị ngoài công lập, hộ sản xuất kinh doanh cá thể…) nợ 6.023 triệu đồng. Lãi chậm đóng là 27.789 triệu đồng.

Trong số các doanh nghiệp nợ các khoản bảo hiểm ở Khánh Hòa thì có đến 539 đơn vị (đã loại trừ 580 đơn vị không còn hoạt động nhưng còn số thiếu) nợ từ 06 tháng trở lên với số tiền 118.772 triệu đồng.

Nhiều đơn vị nợ bảo hiểm thiếu sự phối hợp

Báo cáo, đánh giá của BHXH Khánh Hòa nhận định: Một số đơn vị không chỉ nợ bảo hiểm lớn mà còn thiếu phối hợp với cơ quan BHXH để trả nợ. Đơn cử như: Công ty TNHH Một thành viên Đóng Tàu Nha Trang; Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Cam Ranh; Công ty cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang…

Nhiều doanh nghiệp, đơn vị nợ trên 20 tháng bảo hiểm như: Công ty TNHH Thương Mại và Xây Dựng MIWA; Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng DT Khánh Hòa; Công Ty Cổ Phần Khách Sạn Bến Du Thuyền; Chi Nhánh Công ty Cổ phần Tập Đoàn Mai Linh tại Nha Trang; Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Và Phát Triển Vân Phong…

Khánh Hòa: Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm đầm đìa - Ảnh 4.

Lao động luôn mong muốn được đóng bảo hiểm đầy đủ

Trước sự trăn trở của người lao động, BHXH Khánh Hòa đưa ra một số giải pháp như: Phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện đôn đốc thu, thu nợ. 

Kiểm tra thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường các giải pháp hướng dẫn người lao động, người dân cài đặt sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số. VssID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy, sổ bảo hiểm xã hội giấy; giúp người lao động, người dân kiểm soát được tình hình tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của bản thân. Phát hành văn bản đôn đốc thu, thu nợ gửi các đơn vị nợ. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành. Tổ chức triển khai hợp đồng hợp tác thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giữa cơ quan BHXH với các ngân hàng để đảm bảo quyền lợi và đời sống người lao động.

Xem thêm video được quan tâm

Các hoạt động của ngư dân Khánh Hòa trở lại bình thường



Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn