Khánh Hòa chuyển từ giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế

30-11-2021 20:17 | Xã hội
google news

SKĐS - Để duy trì mức sinh thay thế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Khánh Hòa đang từng bước thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 của tỉnh.

Đổi mới phương pháp giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản

Theo công bố của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025, Khánh Hòa nằm trong danh sách 21 tỉnh có mức sinh thấp cả nước. Để cân bằng mức sinh, theo lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình  đơn vị này đang từng bước thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 của tỉnh.

Trong đó, mục tiêu chung của chương trình là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn tỉnh, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có tỷ lệ thấp, giảm ở nơi có tỷ lệ cao. Phấn đấu đến năm 2030, tăng mức sinh trung bình từ 0,05 đến 0,1 con/phụ nữ/năm ở địa phương có tổng tỷ suất sinh (TFR) dưới 1,9 con/phụ nữ và phải duy trì TFR 1,9 con/phụ nữ trở lên vào năm 2025, đến năm 2030 là 2,1 con/phụ nữ; tiếp tục duy trì mức sinh ở địa phương có TFR từ 1,9 đến 2,1 con/phụ nữ, đến năm 2030 là 2,1 con/phụ nữ. Phấn đấu đến năm 2025, có 80% huyện đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ và đến năm 2030, có 100% huyện đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ.

Khánh Hòa chuyển từ giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế - Ảnh 1.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chi cục DS-KHHGĐ Khánh Hòa tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế như: Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi; thí điểm triển khai, mở rộng thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc trước khi kết hôn đối với thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau.

Tăng cường lồng ghép các hoạt động

Bên cạnh đó, Chi cục sẽ mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan; phổ cập dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn; lồng ghép các hoạt động phổ cập dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản với Chương trình củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030.

ThS.BS Trần Thị Kim Oanh, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, Để thực hiện đạt mục tiêu trên, thời gian tới, ngành dân số tỉnh tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao. Duy trì kết quả ở nơi đã đạt mức sinh thay thế. Và, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Cố gắng cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, thuận tiện với chất lượng ngày càng tốt hơn cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, nơi mức sinh cao.

Đặc biệt, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Khánh Hòa thí điểm xây dựng và triển khai một số mô hình tại vùng có mức sinh thấp với định hướng nội dung khuyến khích không kết hôn muộn; khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại khu công nghiệp, khu kinh tế; hỗ trợ bà mẹ có con nhỏ làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế. Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ phù hợp; tư vấn, kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm và phòng, tránh các yếu tố là nguy cơ dẫn đến sinh con dị tật, mắc các bệnh, tật ảnh hưởng đến việc suy giảm nòi giống.

Trước các chính sách, đường lối cũng như sự vào cuộc của các Lãnh đạo, ban ngành và các tổ chức chính trị xã hội, công tác dân số nói chung và mức sinh của nhiều địa phương thuộc Khánh Hòa đã có bước tiến triển, gặt hái nhiều thành công trong giai đoạn vừa qua.

Điển hình như xã Cam Tân (huyện Cam Lâm) được xem là điểm sáng để các đơn vị khác học tập. Xã luôn nỗ lực duy trì mức sinh thay thế chung, chú trọng giảm sinh ở vùng có mức sinh cao và vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nhờ triển khai đồng bộ các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số đến từng cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng DS trên địa bàn xã. Năm 2019, trên địa bàn xã, tỷ số giới tính khi sinh là 107,6 bé trai/100 bé gái (chỉ tiêu là dưới 113 bé trai/100 bé gái).

Ngoài ra, Ban Dân số - KHHGĐ xã còn tổ chức các buổi tư vấn nhóm thu hút nhiều phụ nữ và các hộ tham gia. Qua các buổi tư vấn này, người dân được tiếp cận nhiều thông tin về dân số, kế hoạch hóa gia đình, cách chăm sóc bà mẹ và trẻ em hữu ích, thiết thực. Từ đó, nhiều hộ dân đã nâng cao nhận thức, nhiều cặp vợ chồng trước khi sinh con và mang thai đã đi khám và được tư vấn cụ thể để trẻ được khỏe mạnh khi chào đời.

Tuy có nhiều nỗ lực nhưng công tác dân số của Khánh Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, kết quả giảm sinh chưa thực sự bền vững, không đồng đều giữa các vùng. Có những vùng mức sinh trong dân rất thấp, kéo theo hệ quả là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cũng giảm đáng kể, nhiều gia đình chỉ muốn sinh 1 con. Nhưng cũng có những địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, công tác dân số còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh dân số. Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang có chiều hướng tăng.



T.H
Ý kiến của bạn