Tuy nhiên, ông Mai N.Đ - Trưởng phòng nghiệp vụ, Bảo tàng Khánh Hòa lại đưa hàng loạt kỷ vật được tặng vào danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm kèm theo định giá tiền với các diễn giải: Định giá ban đầu; định giá qua thương lượng với chủ sở hữu (lần 1, 2, 3)… gây bức xúc cho nhiều người. Đề xuất và định giá ông Đ. lập ra được công khai với Hội đồng khoa học Bảo tàng Khánh Hòa.
Việc làm của ông Đ. đã phát sinh khiếu nại, tố cáo lên Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa.
Là cán bộ lâu năm đồng thời là thành viên Hội đồng khoa học của Bảo tàng Khánh Hòa, ông T.T ngao ngán, bức xúc phản ánh với PV Báo Sức khỏe và Đời sống: "Ngay khi đưa ra Hội đồng khoa học tôi đã phản biện ngay. Nhóm hiện vật kháng chiến gồm huân chương, huy chương; bằng khen… như kỷ vật, danh dự không bao giờ người ta mang ra mua, bán, chỉ mang hiến, tặng thôi. Thế nhưng anh Mai N.Đ kê hết, cái nào cũng kê bằng tiền".
Trong một tập dày danh mục các hiện vật dự kiến sưu tầm do ông Đ. lập nên thì có những kỷ vật quý từ thời chống Mỹ như: Giấy chứng nhận Đảng viên 4 tốt; bằng khen… cũng được đề xuất, định giá lần đầu 650.000 đồng; định giá qua thương thảo với chủ sở hữu lần 1 là 600.000 đồng; lần 2 là 550.000 đồng; lần 3 là 500.000 đồng/mỗi hiện vật.
Theo ông T, trước sự phản ứng, bác bỏ của Hội đồng khoa học, ông Mai N.Đ đã cố biện hộ, nói kê tiền lên để nếu lấy được thì bồi dưỡng cho chủ nhân có công giữ hiện vật, kỷ vật. Tuy nhiên thực tế, số tiền kê lên quá nhiều.
Cũng theo phản ánh, dù nắm giữ trọng trách quan trọng ở Bảo tàng Khánh Hòa nhưng có nhiều hiện vật ông Đ. đưa lên bị phát hiện là... trên mạng bán chứ không phải là hiện vật kháng chiến Khánh Hòa. Theo quy định thì đây là việc làm sai hoàn toàn.
Không chỉ cán bộ bảo tàng, thành viên Hội đồng khoa học bức xúc mà ngay cả một số chủ nhân hiến, tặng các kỷ vật quý cũng bức xúc khi biết vật thiêng liêng của mình được đưa ra đề xuất định giá tiền.
Điển hình như ông M.N.P (sinh năm 1948); bà Tr. T.M.N (sinh năm 1950), đều trú ở Cam Lâm, Khánh Hòa đã gửi đơn đến Sở VH-TT Khánh Hòa trình bày rõ: "Toàn bộ hiện vật chúng tôi tặng Bảo tàng Khánh Hòa không hề có trao đổi tiền bạc. Đó là tâm huyết, là xương máu, niềm vinh dự của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn sau này được bảo tàng lưu giữ, giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Nhưng chúng tôi được biết, cán bộ nghiệp vụ bảo tàng có hành vi gian dối, đem hiện vật ra kê giá… Đây là hành vi xúc phạm tới những người cựu chiến binh như chúng tôi…".
Nhận được đơn phản ứng của những người hiến tặng kỷ vật, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở VH-TT Khánh Hòa cũng đã ký văn bản yêu cầu Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý tập thể, cá nhân sai phạm (nếu có).
Trước những bất cập, bức xúc trên, ngày 21/4, ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với các PV. Theo ông Phong, ông mới về nhận nhiệm vụ giám đốc bảo tàng, tuy nhiên khi nắm vụ việc ông đã trực tiếp vào nhà ông M.N.P; bà Tr. T.M.N (là những người hiến tặng kỷ vật có đơn phản ánh bức xúc) để tìm hiểu sự việc. Hai người này vẫn thống nhất các hiện vật đều hiến, tặng cho bảo tàng.
Ông Phong cũng cho biết: "Giám đốc Sở VH-TT Khánh Hòa đã có chỉ đạo thanh tra, Sở đang tiến hành thanh tra về giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều vấn đề ở bảo tàng, trong đó có vấn đề kỷ vật. Ai sai phạm thế nào thì sẽ được làm rõ. Quan điểm là sai đến đâu phải xử đến đó".
Báo Sức khỏe và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.
Nằm trên đường Trần Phú, Bảo tàng Khánh Hòa là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá, thiêng liêng.