Hà Nội

Kháng thuốc trong nhãn khoa, nỗi lo hiện hữu

20-11-2021 16:02 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Kháng sinh cũng là thuốc thường được sử dụng trong nhãn khoa. Vậy thực trạng kháng thuốc kháng sinh trong nhãn khoa như thế nào, cần làm gì để ứng phó?

Chuyên khoa mắt sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, chống bội nhiễm, dự phòng nhiễm trùng trước - trong và sau phẫu thuật, thủ thuật…

Đường dùng cũng đa dạng: Tiêm, truyền, nhỏ giọt, tiêm cạnh mắt và tiêm nội nhãn...

Trên thị trường có sẵn các dạng thuốc dùng tại chỗ: Nước, nhũ tương, gel, mỡ… Gần đây đã phát triển thêm viên đặt cùng đồ, implant chứa thuốc.

photo-1637396875360

Kháng sinh dùng chữa các bệnh mắt do nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn không đáp ứng với thuốc có thể dẫn đến mù lòa

Vấn đề vi khuẩn trở nên kháng thuốc kháng sinh từ lâu đã là mối quan tâm của sức khỏe cộng đồng nhưng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong chăm sóc mắt vì nhiễm trùng do vi khuẩn không đáp ứng với thuốc có thể dẫn đến mù lòa.

Bất kỳ vết rạch hoặc vết thủng nào trên mắt đều có thể dẫn đến nhiễm trùng. Điều đó có nghĩa là các thủ thuật mắt thông thường như LASIK và phẫu thuật đục thủy tinh thể đều có thể bị nhiễm trùng cho dù nguy cơ nhiễm trùng cực kỳ nhỏ. Ngoài ra, các loại thuốc tiêm, chẳng hạn như những loại thuốc thường được sử dụng để điều trị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác và bệnh võng mạc tiểu đường, cũng có khả năng lây nhiễm tuy là rất nhỏ.

Với khoảng 1 triệu người phải phẫu thuật đục thủy tinh thể hàng năm và hơn một triệu mũi tiêm thoái hóa điểm vàng do tuổi tác được thực hiện mỗi năm, nhu cầu hiểu về vấn đề kháng thuốc kháng sinh và nhiễm trùng mắt càng trở nên bao giờ hết.

Nhiễm trùng mắt có thể trở nên nghiêm trọng, nhưng có phải lúc nào dùng kháng sinh cũng là điều khôn ngoan?
TS.BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương

Lợi ích của kháng sinh trong việc kiểm soát nhiễm trùng mắt là không thể phủ nhận để tránh mất thị lực. Mỗi bệnh nhân là một cá thể khác nhau dựa trên tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và các cân nhắc khác nên sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau với tình trạng ưa thuốc hay kháng thuốc. Để thuốc nhỏ mắt kháng sinh hoạt động tốt nhất bạn nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ, tuân theo các hướng dẫn chung để nhỏ thuốc vào mắt.

Nguyên nhân vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh

Trong thực hành lâm sàng, việc dùng thuốc kháng sinh không hợp lý đã góp phần làm gia tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Càng nhiều sinh vật tiếp xúc với thuốc kháng sinh thì càng có nhiều khả năng một số ít sẽ đột biến theo cách để chúng có thể sống sót qua cơ chế tấn công của thuốc.

Các công ty dược phẩm liên tục tạo ra các loại kháng sinh mới để giúp chống lại nhiễm trùng dù biết rằng vi khuẩn cuối cùng có thể trở nên kháng thuốc. Tuy nhiên, những vi sinh vật đang phát triển nhanh chóng này đã tìm cách xoay sở để sống sót với tốc độ đáng báo động, vượt xa tốc độ phát triển của thuốc mới.

Nhiều vi khuẩn đang trở nên kháng thuốc

Các nghiên cứu cho thấy rằng việc chống lại những bệnh nhiễm trùng này bằng các loại thuốc có sẵn đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhìn chung, vi khuẩn ngày càng trở nên đề kháng với nhiều loại kháng sinh. 

Một nghiên cứu năm 2014 từ tạp chí Nhãn khoa của Mỹ xem xét tình trạng kháng thuốc trong thời gian 25 năm cho thấy, hơn một nửa số vi khuẩn gây viêm nội nhãn, một trong những bệnh nhiễm trùng mắt nặng nhất, hiện đã kháng với loại kháng sinh thường được kê đơn là cefazolin. Trong số hai loài Staphylococcus phổ biến nhất, sự kháng thuốc của vi khuẩn đối với thuốc methicillin đã được chứng minh là hơn 50%.

Giải pháp nào hạn chế kháng thuốc?

photo-1637396876767

Không phải bệnh mắt nào cũng cần dùng thuốc kháng sinh.

Trước thực trạng này, cần dùng kháng sinh một cách cẩn trọng. Đối với bệnh viêm kết mạc không phải lúc nào cũng cần dùng kháng sinh, vì nguyên nhân có thể do dị ứng hay virus (cả hai đều không thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh). Chỉ dùng kháng sinh khi viêm kết mạc có nguyên nhân do vi khuẩn gây nên.

Thay vì nhỏ thuốc kháng sinh trước khi tiêm thuốc để điều trị bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường, có thể sử dụng iốt (betadine 5%) thay thế như một thuốc sát trùng tại chỗ, đã được chứng minh là có hiệu quả cắt giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Với người dân, đừng tự làm bác sĩ hoặc dùng thuốc theo sự mách bảo của người không có chuyên môn. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị bất kỳ loại nhiễm trùng mắt nào, hãy đi khám, để được dùng thuốc hợp lý, an toàn…

Các triệu chứng của nhiễm trùng mắt bao gồm:

  • Đau đớn
  • Sưng nề mắt
  • Đỏ mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Chảy dịch ở mắt (mủ vàng xanh hoặc chảy nước mắt). Đây là một triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng mắt do vi khuẩn.
Đừng quên là nếu bạn không dùng thuốc một cách thận trọng, có trách nhiệm thì một ngày nào đó chúng ta không còn đủ kháng sinh mạnh để điều trị bệnh cho bạn, cho tôi, con cháu chúng ta.

Mời độc giả xem thêm:

Cảnh báo kháng kháng sinh khiến người bệnh mất cơ hội điều trịCảnh báo kháng kháng sinh khiến người bệnh mất cơ hội điều trị

SKĐS - Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tình trạng kháng kháng sinh cao trên thế giới. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, dùng kháng sinh không đúng sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc, làm người bệnh mất chi phí, mất cơ hội chữa bệnh tốt...


TS.BS Hoàng Cương
Bệnh viện Mắt Trung ương
Ý kiến của bạn