Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không lâu nữa trên toàn cầu, cứ 3 giây sẽ có một người chết vì siêu vi khuẩn kháng thuốc. Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức số người thiệt mạng do kháng thuốc nhưng hiện đang là quốc gia kháng thuốc thuộc top cao nhất thế giới.
Những bệnh nhân… hết thuốc chữa
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận bé Y., 10 tháng tuổi, ở An Giang trong tình trạng sốt cao. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy bé bị viêm phổi nặng. Nghiêm trọng hơn khi các bác sĩ nhận được kết quả nuôi cấy dịch màng phổi kết quả đều ra dương tính với 2 loại siêu vi khuẩn đa kháng là Acinetobacter baumanii và Klebsiella Pneumoniae. Cả hai đều đề kháng với tất cả các đĩa kháng sinh nuôi cấy.
Acinetobacter baumannii hiện đứng đầu danh sách và nằm trong nhóm siêu vi khuẩn kháng với kháng sinh carbapenems, loại kháng sinh đôi khi được coi là “lựa chọn cuối cùng” bởi nếu thuốc không còn tác dụng điều trị thì rất ít kháng sinh khác có thể chữa được bệnh. Ngoài ra, bé cũng nhiễm trùng huyết và nhiễm nấm huyết nặng, theo dõi dò thực quản màng phổi, bé sốt kéo dài, tổng trạng xấu, nhiễm trùng toàn thân nặng, nếu để lâu sẽ nguy cơ dò thủng thực quản nhiễm trùng nhiễm độc lan tỏa gây nguy hiểm tính mạng, nên bé được hội chẩn quyết định phẫu thuật cấp cứu. Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, tổng trạng đã khá hơn. Đây có thể được coi là ca hy hữu khi các bác sĩ đã dành lại được sự sống cho bé khi nhiễm cùng lúc hai chủng siêu vi khuẩn kháng thuốc.
Cùng thời gian này, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cũng tiếp nhận bệnh nhân nam trong tình trạng khó thở, tiền sử suy tim, tăng huyết áp. Tuy nhiên không may mắn như bệnh nhi nói trên, sau hơn 21 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn phải thở máy, sốt cao liên tục, thể trạng suy kiệt. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm phổi kháng thuốc và kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có. Hy vọng duy nhất bây giờ chỉ là trông chờ vào hệ miễn dịch của chính người bệnh.
Vi khuẩn kháng thuốc là nỗi lo của y học toàn thế giới.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, bệnh viện tuyến cuối về các bệnh nhiễm khuẩn cũng cho biết, hiện bình quân mỗi ngày viện tiếp nhận từ 5-6 ca bệnh bị sốc nhiễm khuẩn nặng mà trong đó chủ yếu do vi khuẩn kháng thuốc gây ra. Với những bệnh nhân mắc các bệnh lý do vi khuẩn kháng kháng sinh, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều bệnh nhân bình thường, từ 30-90%. Đặc biệt với những bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc thì tỷ lệ tử vong lên tới 99%, bởi không còn thuốc chữa.
Hậu quả và gánh nặng do kháng thuốc
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng kháng thuốc hiện nay, GS.TS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, là chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu và chống độc, cho biết: Ở hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh với số lượng vi khuẩn kháng thuốc và mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh nhóm carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay đã lên đến 50-60%. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Có những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đã kháng thuốc, đến mức, các bác sĩ cho dùng loại kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không hiệu quả, phải kết hợp với nhiều kháng sinh khác. Đáng lo ngại hơn, đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh, phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai thì tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đã đến mức nguy hiểm. Bởi trước đây chỉ thấy những ca vi khuẩn kháng thuốc rất mạnh lây trong bệnh viện, mà chúng ta đã nói nhiều, thì gần đây đã xuất hiện cả các ca nhiễm trùng huyết do tụ cầu khuẩn, biến chứng tràn mủ, tràn khí màng phổi mắc tại cộng đồng.
Theo điều tra của WHO tại Việt Nam, 83% vi khuẩn Pneumococal (vi khuẩn gây ra viêm phổi, viêm màng não...) đã kháng với kháng sinh penicillin. Có tới 72% vi khuẩn Ecoli gây các bệnh về tiêu chảy và đường ruột đã kháng ceftriaxon. Nếu nhiễm các vi khuẩn này, những thế hệ kháng sinh phổ biến trước đây như penicillin hay ceftriaxon sẽ không còn tác dụng.
Vi khuẩn đang dùng đủ cách để chống lại các kháng sinh mà loài người chúng ta tạo ra. Trong tình hình như vậy buộc chúng ta phải phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, sử dụng liều cao hơn hoặc phải thay đổi phác đồ điều trị theo tình hình đề kháng và phải tiếp tục nghiên cứu tìm ra các loại thuốc kháng sinh mới để chống lại hiện tượng đề kháng dẫn đến cuộc chạy đua giữa con người và vi khuẩn gây bệnh một cách quyết liệt.
WHO cũng cho biết, hầu hết các loại thuốc hiện nay trong các phòng thí nghiệm đều là phiên bản cải tiến và chỉ là các giải pháp ngắn hạn, tức là có rất ít dược phẩm hiệu quả trong điều trị các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh. Hiện có 51 loại kháng sinh mới đang trong quá trình nghiên cứu lâm sàng để điều trị các mầm bệnh kháng thuốc kháng sinh, nhưng chỉ có 8 loại được WHO xếp vào hàng các thuốc điều trị tiên tiến có thể góp phần gia tăng giá trị của kho thuốc kháng sinh hiện nay.
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO thừa nhận tình trạng kháng lại thuốc kháng sinh là một vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, sẽ hủy hoại nghiêm trọng những tiến bộ của nền y học hiện đại.