Theo kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Tây Ban Nha đăng trên tạp chí Nature Communications, nồng độ kháng thể kháng COVID-19 vẫn ổn định hoặc thậm chí tăng lên vào thời điểm 7 tháng sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các kháng thể có sẵn chống lại virus corona gây cảm lạnh thông thường cũng có thể bảo vệ chống lại COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của 578 nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Barcelona (Tây Ban Nha) trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2020. Các mẫu máu được kiểm tra nồng độ và loại kháng thể đối với 6 kháng nguyên COVID-19, cũng như kháng thể chống lại 4 vi rút corona gây cảm lạnh.
Trưởng nhóm nghiên cứu Carlota Dobaño thuộc Viện y tế toàn cầu Barcelona (ISGlobal) cho biết: "Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá một nhóm lớn các kháng thể SARS-CoV-2 trong vòng 7 tháng".
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở các nhân viên y tế xảy ra trong đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch.
Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu có kháng thể kháng SARS-CoV-2 chỉ tăng nhẹ giữa tháng 3/2020 và tháng 10/2020, tương ứng từ 13,5% lên 16,4%.
Nồng độ kháng thể IgG chống lại protein gai (spike protein) SARS-CoV-2 vẫn ổn định theo thời gian, điều này một lần nữa giúp khẳng định những phát hiện từ các nghiên cứu gần đây khác.
Ý kiến chuyên gia
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi thấy nồng độ IgG tăng lên ở 75% số đối tượng nghiên cứu từ tháng thứ năm trở đi, mà không có bằng chứng về việc tái nhiễm với vi rút SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có nồng độ kháng thể chống lại vi rút cảm lạnh ở người (HCoV) thấp hơn.
Những người không có triệu chứng có mức độ bảo vệ chống lại HCoV cao hơn những người có các triệu chứng COVID-19.
Điều này cho thấy rằng các kháng thể chống lại vi rút corona gây cảm lạnh có thể cung cấp khả năng bảo vệ chéo chống lại nguy cơ mắc bệnh COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Mặc dù khả năng bảo vệ chéo bằng miễn dịch sẵn có với vi rút corona gây cảm lạnh thông thường vẫn còn cần được xác nhận thêm, nhưng điều này có thể giúp giải thích phần nào sự khác biệt lớn về tính nhạy cảm với bệnh COVID-19 trong các quần thể dân số".
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Cuộc gọi cầu cứu lúc 3h sáng và cái kết tựa như mơ ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh