Kháng sinh mới cho viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

14-11-2019 13:00 | Thông tin dược học

SKĐS - Lần đầu tiên trong 15 năm, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt kháng sinh đường toàn thân có cơ chế tác dụng mới trong cuộc chiến với viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

Lefamulin được đưa ra thị trường dưới tên biệt dược Xenleta, hiện thuốc có hai dạng đường dùng: đường uống và đường tiêm/truyền tĩnh mạch, thuốc được chỉ định điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng cho người trưởng thành. Đây là một pleuromutilin bán tổng hợp, thuốc ức chế quá trình sinh tổng hợp protein tại ribosome thông qua cơ chế đặc biệt, hoàn toàn khác với các loại kháng sinh hiện tại, nhờ đó “giảm khả năng kháng thuốc của vi khuẩn hoặc cũng như khả năng kháng chéo với các nhóm kháng sinh khác như β-lactam, fluoroquinolone, glycopeptide, macrolide và tetracycline”, Ted Schroeder, giám đốc điều hành của Nabriva Therapeutics, cho biết. Trong công bố của công ty, Ted Schroeder cho biết thêm: "Xenleta (lefamulin) nhắm mục tiêu trong phổ vitro chống lại các mầm bệnh Gram dương, Gram âm và không điển hình gây bệnh phổ biến nhất liên quan đến viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, phù hợp với các nguyên tắc quản lý kháng khuẩn".

Trong một bản tin mới, Tiến sĩ Ed Cox, Giám đốc Văn phòng Sản phẩm Kháng khuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cho biết: "Thuốc mới này cung cấp một lựa chọn khác để điều trị bệnh nhân viêm phổi do vi khuẩn mắc phải tại cộng đồng, một căn bệnh nghiêm trọng". "Để kiểm soát được căn bệnh nghiêm trọng này, điều quan trọng là các bác sĩ và bệnh nhân phải có lựa chọn điều trị. Sự chấp thuận này củng cố cam kết liên tục của chúng tôi trong việc điều trị các bệnh truyền nhiễm bằng cách tạo điều kiện cho sự phát triển của các kháng sinh mới".

Theo Trung tâm Dự Phòng và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC), hàng năm có khoảng 1 triệu ca nhập viện do viêm phổi và 50.000 người tại quốc gia này tử vong do viêm phổi. Mặc dù không phải lúc nào cũng phân lập được tác nhân gây bệnh, nhưng virus được coi là nguyên nhân gây nhiều ca viêm phổi hơn so vi khuẩn. Tuy nhiên một mình phế cầu – Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân của 5% tổng số ca viêm phổi.

Lefarmulin được phê duyệt dựa trên các nghiên cứu phase 2 và phase 3 được tiến hành trên 1.289 bệnh nhân trưởng thành bị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng. Theo công bố của nhà sản xuất – Nabriva Therapeutics, dạng uống và dạng dùng qua đường tĩnh mạch được đưa vào nghiên cứu nhằm so sánh với hai dạng bào chế tương ứng của moxifloxacin. Trong nghiên cứu đầu tiên, nếu nghi ngờ tác nhân gây viêm phổi là staphylococcus aureus thì linezolinid hoặc placebo sẽ được thêm vào trên nền lefamulin hoặc moxifloxacin. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lefamulin có hiệu quả tương đương với moxifloxacin trong điều trị phối hợp với linezolid hoặc đơn trị.

Trong nghiên cứu thứ hai, lefamulin đạt kết quả điều trị tương đương moxifloxacin nhưng ít hơn 2 ngày điều trị. Các tác dụng ngoại ý thường gặp bao gồm tăng men gan, nôn, buồn nôn,phản ứng tại chỗ tiêm, hạ kali máu, mất ngủ và tiêu chảy.

Bệnh nhân có khoảng QT kéo dài, rối loạn nhịp, đang sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp hoặc các thuốc làm kéo dài khoảng QT nên tránh sử dụng lefamulin.

Lefamulin cũng không nên được sử dụng ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với lefamulin hoặc bất kỳ hoạt chất nào khác của nhóm kháng sinh pleuromutilin hoặc bất kỳ thành phần nào của lefamullin.

FDA khuyến cáo:"Dựa trên những phát hiện về tác hại trên thai nhi trong các nghiên cứu trên động vật, phụ nữ mang thai và phụ nữ có thể mang thai nên được thông báo về những rủi ro tiềm ẩn của Xenleta đối với thai nhi. Phụ nữ có thể mang thai nên được khuyến cáo sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong khi điều trị bằng Xenleta và kéo dàu tới hai ngày sau liều cuối cùng".

Lefamulin sẽ có ở dạng bào chế đường uống (600mg mỗi 12 giờ) và tiêm/truyền tĩnh mạch (150mg mỗi 12 giờ) với thời gian điều trị ngắn, từ 5 đến 7 ngày.


DS. Vũ Tiến Khoa
Ý kiến của bạn