Kháng sinh giả hoành hành người bệnh lãnh đủ

23-01-2020 07:19 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa các thông tin về thuốc giả: Từ thuốc điều trị giả đến thực phẩm chức năng giả…

Thuốc kháng sinh bị làm giả nhiều nhất

Thông tin về thuốc kháng sinh zinnat 500mg film tablet giả mới đây lại làm tăng nỗi lo cho người bệnh. Khi kiểm nghiệm mẫu thuốc không có phản ứng định tính của cefuroxim axetil (hoạt chất của thuốc). Đây là dòng thuốc kháng sinh mạnh, đắt tiền được sử dụng khá phổ biến cho cả người lớn và trẻ em ở nước ta trị các bệnh nhiễm khuẩn như: nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhiễm khuẩn da, mô mềm, tiết niệu và dự phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật…

Không chỉ có zinnat, một số kháng sinh thông thường khác cũng đã từng được các cơ quan chức năng phát hiện làm giả. Các thuốc giả thường không có hoạt chất, nhái mẫu mã, bao bì của các nhãn hàng có thương hiệu, không đủ nồng độ, hàm lượng…

Báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, thống kê năm 2016 có 2%/tổng số mẫu thuốc lấy về kiểm nghiệm là kém chất lượng, 0,01% mẫu lấy là thuốc giả. Mặc dù ở nước ta, tỷ lệ thuốc giả thấp hơn so với các nước trong khu vực nhưng trong 11 mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số lại là kháng sinh. Trong năm 2017, số lượng thuốc giả phát hiện là 5 mẫu, trong đó có 4 thuốc tân dược và 1 thuốc đông dược. Trong 4 thuốc tân dược bị làm giả lại tập trung vào 2 hoạt chất là lincomycin và prednisolon. Và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, đã có tới 2 vụ thuốc kháng sinh giả được “lật tẩy”, đó là zinnat và lincomycin.

Cách phân biệt thuốc lincomycin thật và giả.

Cách phân biệt thuốc lincomycin thật và giả.

Người bệnh “lãnh đủ”

Bị móc túi mà bệnh vẫn nặng thêm, làm mất cơ hội chữa trị của người bệnh

Kháng sinh dùng để trị các bệnh do vi khuẩn gây nên. Và các kháng sinh bị làm giả thường là kháng sinh thế hệ mới của các thương hiệu nổi tiếng nên giá thành thường đắt đỏ.

Khi dùng phải thuốc giả (không có hoạt chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng) thì sẽ không có tác dụng chữa bệnh (không diệt được vi khuẩn) mà còn đẩy mạnh quá trình phát triển bệnh tật (gây biến chứng, tử vong) trong khi cả bác sĩ và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc. Một số thuốc sản xuất tại cơ sở không hợp vệ sinh chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, người bệnh còn bị dị ứng/phản ứng với thành phần trong thuốc như chóng mặt; buồn nôn và nôn; tiêu chảy; sốc phản vệ… ảnh hưởng đến tính mạng. Người bệnh sẽ mất đi cơ hội được chữa trị đúng thuốc, đúng thời điểm.

Nếu dùng phải thuốc giả có hoạt chất đúng nhưng khai sai (khai gian) nguồn gốc xuất xứ (ví dụ sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại dán nhãn sản xuất tại Pháp, Mỹ; thuốc do các công ty nhỏ, ít tiếng tăm trên thị trường sản xuất nhưng lại khai, in nhãn của các hãng lớn sản xuất), bệnh có thể vẫn khỏi nhưng người bệnh bị “móc túi” mà không hay biết.

Gây kháng thuốc

Nguy hiểm hơn khi dùng kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất, làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc. Lúc đó, kháng sinh sẽ mất dần tác dụng chữa bệnh khiến thời gian điều trị bệnh kéo dài, chi phí điều trị tăng cao…, tính mạng người bệnh bị đe doạ, thậm chí có thể tử vong ngay cả khi bị các nhiễm khuẩn thông thường.

Người bệnh nên làm gì?

Để tránh mua phải hàng giả, đối với người bệnh, nên đến những địa chỉ tin cậy để mua thuốc (nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP). Không nên mua hàng qua mạng internet, xách tay, mách bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Khi mua, cần quan sát kỹ hình ảnh, bao bì, dạng bào chế, thậm chí là tem chống hàng giả (nếu có)... và luôn luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc để tránh dùng thuốc hết hạn.

Khi có sự nghi ngờ về bao bì, nhãn mác, về nét chữ in trên sản phẩm, về hình dạng viên thuốc hay mùi vị bất thường (nhất là đối với những thuốc đã quen dùng) so với trước đây, cần cảnh giác… vì rất có thể đó là thuốc giả.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên theo dõi các phương tiện thông tin truyền thông để cập nhật các thông tin về thuốc giả, nắm bắt được những cách phân biệt thuốc thật, thuốc giả (nếu có) để có thêm kiến thức cho mình và gia đình.

Theo Khoản 33 Điều 2 Luật Dược sửa đổi 2016, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không có dược chất, dược liệu;

- Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;

- Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;

- Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

DS. Hoàng Thu Thuỷ
Ý kiến của bạn