Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc và dư luận rất đồng tình với kết luận xử lý kỷ luật nghiêm ông Phạm Sỹ Quý, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chấp hành nghiêm túc. Nhưng dư luận cũng rất băn khoăn vì khối tài sản này chưa được TTCP kiến nghị xử lý thỏa đáng...
“Bà Huệ” là ai và việc xử lý sai phạm?
Trong kết luận thanh tra về vụ “Biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý có nói đến “bà Huệ” năm 2014 và đầu năm 2016 đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 4 hộ dân tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP. Yên Bái với tổng diện tích hơn 67.000m2 đất. Tổng số tiền theo hợp đồng chuyển nhượng là 950 triệu đồng.
Ngày 2/7/2015, bà Huệ nộp 5 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích hơn 13.000m2 và xin tách thành 11 thửa.
Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý.
Ngày 5/5/2016, bà Huệ nộp một bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng hơn 300m2 đất rừng sản xuất sang đất ở.
Sau khi được UBND TP. Yên Bái cho phép và việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất trên từ đất nông nghiệp sang đất ở đã hoàn thành, được tách thửa, bà Huệ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở này cho 37 hộ dân (trong tổng số 40 hộ đã thỏa thuận với bà Huệ) với diện tích hơn 10.000m2.
Ngoài ra, bà Huệ có đơn xin trả lại hơn 4.000m2 đất nông nghiệp cho Nhà nước để làm đường đi chung cho các hộ dân, trong đó có khu nhà của bà Huệ và đã được UBND TP. Yên Bái giảm trừ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Huệ.
Một người dân bình thường liệu có thể dễ dàng vi phạm nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai khi chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích hơn 13.000m2 như tráo bài tú lơ khơ nếu người đó không phải là vợ của ông Quý và em chồng của bà Chủ tịch tỉnh bấy giờ nay là đương kim Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái?
Liệu có cái bóng nào đằng sau nên “bà Huệ” mới cầm đầu các hộ dân tự thành lập khu dân cư, tự làm đường giao thông như một lãnh thổ riêng, bất chấp các quy định của pháp luật về xây dựng và đất đai? Dựa vào thế lực nào mà bà Huệ biến được 300m2 đất rừng sản xuất sang đất ở và chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất ở này cho 37 hộ dân như một kiểu buôn đất?
Cái bóng nào khiến UBND tỉnh Yên Bái dù có Quyết định số 2821 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của TP. Yên Bái, diện tích đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang đất ở tại phường Minh Tân là 1,42ha mà chỉ tính riêng gia đình “bà Huệ” vợ ông Quý đã được UBND TP. Yên Bái cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở là hơn 1,3ha và chiếm hơn 93% kế hoạch mà UBND tỉnh phê duyệt tại phường Minh Tân?
Ngoài chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng sang đất ở, UBND TP. Yên Bái còn cho phép bà Huệ chuyển đổi hơn 1.000m2 đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở là không đúng về loại đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đến diện tích đất nông nghiệp “bà Huệ” trả lại hơn 4.000m2 để làm đường giao thông nội bộ cho các hộ trong đó có gia đình mình đã được UBND thành phố giảm trừ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không quản lý để bà Huệ và các hộ tự ý làm đường giao thông là không đúng quy định theo Luật xây dựng.
Đây là vụ vi phạm hành chính đơn thuần hay vi phạm Luật pháp mà UBND TP. Yên Bái chỉ có hai ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch UBND TP. Yên Bái và ông Yên Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP. Yên Bái bị kỷ luật cả về Đảng và chính quyền đều ở mức “Khiển trách”?
Vậy người vi phạm là “bà Huệ” phải chịu trách nhiệm gì?
Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc UBND TP. Yên Bái cấp phép xây dựng cho gia đình bà Huệ chưa đúng với quy định của Luật xây dựng và bà Huệ đã xây dựng một số công trình không phép gồm: 1 nhà thờ gỗ cũ, 1 nhà sàn gỗ cũ, 1 cây cầu bắc qua hồ nước, 1 căn nhà mái bằng làm bếp nhưng không lẽ thanh tra xong UBND tỉnh Yên Bái cho tồn tại?
Rồi Thanh tra Chính phủ cho rằng cơ quan chức năng TP. Yên Bái đã giảm trừ cho bà Huệ hơn 2 tỉ được xác định chi phí đào, đắp mặt bằng là thiếu căn cứ, thiếu cơ sở thực tế và cuối cùng “bà Huệ” vẫn không bị truy thu?
Biệt phủ là tài sản mà ông Phạm Sỹ Quý kê khai không trung thực.
Người bình thường khi vi phạm xây dựng không phép, sai phép còn bị yêu cầu trả lại nguyên trạng ban đầu còn ở đây “bà Huệ” vi phạm pháp luật lại có thể đương nhiên cho tồn tại những hành vi vi phạm, kể cả đất rừng là tài sản quốc gia đã chiếm để làm biệt phủ mà không bị thu hồi?
Dư luận đang chờ những sai phạm phải được khắc phục, tài sản của dân của nước phải bị thu hồi chứ không chỉ cần biết có sai phạm hay không. Đó là mong muốn của lương tri, của người dân.
Tài sản kê khai không trung thực hay cần làm rõ nguồn gốc tài sản?
Dù “biệt phủ” đứng tên “bà Huệ” nhưng dư luận cũng đã chỉ thẳng ra vai trò của ông Phạm Sỹ Quý liên quan đến khu đất tại tổ 42, tổ 52, phường Minh Tân, TP. Yên Bái. Đoàn Thanh tra Chính phủ đã đối chiếu với bản kê khai tài sản thu nhập năm 2014 của ông GĐ Sở TN-MT Phạm Sỹ Quý và kết luận ông Quý đã không kê khai 1.200m2 đất ở, 59.597,5m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên, không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỉ đồng.
Năm 2015, ông Quý không kê khai 13.111,3m2 đất ở, 41.568m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên; không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 6 tỉ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỉ đồng.
Năm 2016, ông Quý kê khai thiếu 7.905,8m2 đất ở, 27.556m2 đất nông nghiệp do bà Huệ đứng tên; không kê khai 1 nhà diện tích 500m2 tại tổ 51 phường Minh Tân, không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9 tỉ đồng và vay bạn bè 60 cây vàng.
Qua kiểm tra, ông Quý đã ký 4 hợp đồng tín dụng vay ngân hàng gồm:
Năm 2014 vay của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Yên Bái 3,8 tỉ đồng.
Năm 2015, 2016 ký 3 hợp đồng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Yên Bái, vay 9,55 tỉ đồng mục đích để xây nhà và sửa nhà.
Đến 31/12/2016, gia đình ông Quý còn nợ ngân hàng hơn 9 tỉ đồng.
Theo giải trình của ông Quý, khoản tiền vay trên gia đình sử dụng một phần để xây nhà ở, khu trang trại với tổng chi phí khoảng 7 tỉ đồng.
Dư luận lại đặt câu hỏi tại sao người ta không truy nguyên đến tận cùng nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý ngoài việc kê khai có trung thực hay không: Tại sao kê khai thiếu trung thực? Tiền đâu ra mà mua đất, xây nhà? Và nếu có kiếm được số tiền đó thì đã đóng thuế chưa? Rồi tiền vay ngân hàng thì nguồn tiền nào để ông Quý trả lãi hàng tháng cũng như trả nợ gốc khi thu nhập của vợ chồng ông là bao nhiêu, không lẽ bằng thu nhập chạy xe ôm và buôn chổi đót thêm ngoài giờ làm việc tại công sở?
Ông Phạm Sỹ Quý là đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản thu nhập nhưng đã không kê khai đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai. Tuy nhiên, người dân mong qua Thanh tra vụ biệt phủ, ông Phạm Sỹ Quý có tham nhũng không? Nếu không tham nhũng, tài sản của ông là chính đáng thì việc kê khai thiếu chỉ là sơ suất, không nhớ hết và ông bị “Cảnh cáo”, mất chức Giám đốc xuống làm Phó Chánh văn phòng HĐND liệu có quá nặng? Còn như tài sản bất minh thì phải bị thu hồi trả lại cho dân, cho nước bởi một trong những mục tiêu cho công tác chống tham nhũng là: Thu được càng nhiều tài sản của kẻ tham nhũng càng tốt. Nếu tham nhũng chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, không phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật biết đâu kẻ tham nhũng sau 1 năm “tích cực sửa chữa, phấn đấu” lại được xóa án kỷ luật để tiếp tục “cống hiến”!
Trong chữa bệnh không thể dùng thuốc nửa chừng sẽ gây nên hiện tượng nhờn thuốc, khó chữa và chống tham nhũng không đi đến tận cùng cũng dễ gây nên chuyện nhờn luật mà thiệt hại lớn nhất là niềm tin của dân đối với Đảng và Nhà nước.